Hà Nội

Việt Nam ghi nhận 200.000 ca mắc mới ung thư, cần đẩy mạnh nghiên cứu lâm sàng, phòng và điều trị bệnh

28-06-2024 14:03 | Y tế

SKĐS - Số ca mắc ung thư ở nước ta ước tính gia tăng trong thời gian qua. Các nghiên cứu cho thấy số người mắc mới ung thư tại Việt Nam khoảng 200.000 ca/năm và có khoảng 140.000 ca tử vong. Thực trạng này đòi hỏi đẩy mạnh công tác nghiên cứu lâm sàng, chẩn đoán và nâng cao chất lượng điều trị ung thư ngày càng cấp thiết.

Những thông tin trên được GS.TS Lê Văn Quảng - Giám chia sẻ tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực y tế với nhiều nội dung tập trung nghiên cứu phát triển và nâng cao chất lượng điều trị ung thư tại Việt Nam giữa Bệnh viện K và AstraZeneca Việt Nam diễn ra ngày 27/6.

Tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư ngày càng tăng. Năm 2000, cả nước ghi nhận khoảng 69.000 ca, năm 2010 khoảng 127.000 ca, nhưng đến năm 2024, con số ước tính gần 200.000 ca mắc mới.

Việt Nam ghi nhận 200.000 ca mắc mới ung thư, cần đẩy mạnh nghiên cứu lâm sàng, phòng và điều trị bệnh- Ảnh 1.

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K phát biểu.

Theo GS Quảng, có nhiều lý do về việc tăng tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam. Trước hết, dân số tăng lên, khi đó nhiều bệnh sẽ tăng lên chứ không chỉ ung thư. Thứ hai, tuổi thọ tăng lên và ý thức của người dân tăng lên thì quan tâm sức khỏe nhiều hơn, chủ động đi khám, tầm soát, nhờ đó, nhiều người phát hiện sớm ung thư;

Thứ ba, sự phát triển của phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện sớm ung thư; Thứ tư, phải kể đến yếu tố môi trường (ô nhiễm nước, không khí), thói quen ăn uống không hợp lý…

Giám đốc Bệnh viện K cho hay, với số bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng, bệnh viện tổ chức nhiều kênh thông tin để tư vấn, hỗ trợ người bệnh, như chương trình "Tâm điểm ung thư" cung cấp kiến thức cho cộng đồng có số lượng người theo dõi nhiều, phản hồi tích cực. Rồi các câu lạc bộ bệnh nhân ung thư có tính cộng đồng, giúp bệnh nhân cảm giác không bị cô đơn, có người đồng cảnh sẻ chia.

"Với bênh nhân ung thư, không chỉ phát hiện, tư vấn, điều trị bệnh, mà hướng tới khi bệnh nhân ra viện, trở lại xã hội họ được hòa đồng, vẫn tiếp tục công việc hàng ngày, luôn có cơ quan bạn bè, gia đình đồng hành suốt chặng đường. Đó chính là sự sẻ chia, là động lực để bệnh nhân ung thư tiếp tục chiến đấu với bệnh tật"- GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Theo các chuyên gia, công bằng về y tế với bệnh nhân ung thư, nhằm mục tiêu kéo dài thời gian sống trên 5 năm của người bệnh. Thời gian qua, Bệnh viện K đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác đồng hành cùng triển khai nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, hỗ trợ người bệnh, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho y bác sĩ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng...

Trong bối cảnh đó, chương trình hợp tác giữa 2 bên lần này sẽ hướng tới việc đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế của bệnh viện, tăng cường chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư khu vực các tỉnh phía Bắc và trên cả nước.

Việt Nam ghi nhận 200.000 ca mắc mới ung thư, cần đẩy mạnh nghiên cứu lâm sàng, phòng và điều trị bệnh- Ảnh 2.

Hai bên ký kết hợp tác trong lĩnh vực y tế với nhiều nội dung tập trung nghiên cứu phát triển và nâng cao chất lượng điều trị ung thư tại Việt Nam.

Theo đó, hợp tác chiến lược trong thực hiện các nghiên cứu lâm sàng trong lĩnh vực ung thư; Xây dựng và phát triển mạng lưới/trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến và trí tuệ nhân tạo trong y tế; Xây dựng các nghiên cứu về dịch tễ học, đăng ký và ghi nhận ung thư;

Phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ bệnh nhân giúp tăng cường tiếp cận các loại thuốc điều trị tiên tiến.

Đồng thời, để thúc đẩy mục tiêu bình đẳng trong y tế, hai bên sẽ lên kế hoạch phát triển mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia, phối hợp triển khai chương trình "Thương phổi" nhằm nâng cao nhận thức sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi trong cộng đồng.

Nối tiếp sự thành công của thỏa thuận hợp tác ký lần đầu tiên vào năm 2019, thỏa thuận hợp tác lần này đã thắt chặt và nâng tầm mối quan hệ chiến lược giữa 2 bên. Thông qua sự hợp tác tích cực của hai đơn vị, nhiều hoạt động nghiên cứu lâm sàng đã được triển khai, hội nhập với nghiên cứu lâm sàng thế giới.

Các hoạt động này đã đóng góp vào những kết quả nghiên cứu lâm sàng tiêu biểu được báo cáo trên các diễn đàn lớn trên thế giới như hội nghị ASCO 2024 mới diễn ra tại Hoa Kỳ; đồng thời nâng cao trình độ nghiên cứu lâm sàng của các bệnh viện và chuyên viên y tế, vượt qua các quy trình thẩm định khắt khe của các công ty dược phẩm lớn, các cơ quan, tổ chức quản lý y khoa, quản lý nghiên cứu lâm sàng uy tín (FDA, các đơn vị thanh tra độc lập...).

Việt Nam ghi nhận 200.000 ca mắc mới ung thư, cần đẩy mạnh nghiên cứu lâm sàng, phòng và điều trị bệnh- Ảnh 3.

Chương trình "Thương phổi" đã và đang góp phần nâng cao nhận thức sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi trong cộng đồng.

Trước đó như Sức khỏe và Đời sống đã thông tin tại hội nghị nghiên cứu viên ung thư phổi nhằm thúc đẩy sự trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành nghiên cứu ung thư phổi tại Việt Nam và thế giới, hướng tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu lâm sàng tại các bệnh viện do Bệnh viện K và AstraZeneca Việt Nam phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao vì tầm quan trọng đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, đóng góp vào sự phát triển hội nhập của ngành y tế Việt Nam.

Đây cũng là minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực bền bỉ của hai đơn vị trong việc thúc đẩy, nâng cao công tác nghiên cứu phát triển nói chung và nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nói riêng để tìm ra các phương thuốc mới giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân ung thư không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.

Nghiên cứu lâm sàng về thuốc mới mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị ung thư phổiNghiên cứu lâm sàng về thuốc mới mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị ung thư phổi

SKĐS - Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã và đang đóng góp tích cực vào việc phát triển và áp dụng những phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư nói chung, ung thư phổi nói riêng.

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn