Kết thúc hội đàm tại Ủy ban châu Âu giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso, Việt Nam và Eu đã ra tuyên bố: ”Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại dự do (FTA), coi đó là công cụ chủ chốt để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện song phương và tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư hiện có trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso.
Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam mong muốn xây dựng Hiệp định Thương mại tự do này thành một hiệp định hiện đại, toàn diện và cân bằng để giúp nền kinh tế của cả hai bên giải quyết các thách thức hiện nay cũng như trong tương lai và là một nền tảng quan trọng góp phần tăng cường quan hệ giữa châu Âu và Đông Nam Á. Hai bên đã rà soát và hài lòng với tiến triển tốt đẹp cũng như những nội dung mà hiệp định đã đạt được trong tất cả các lĩnh vực đàm phán và cùng thống nhất về hướng giải quyết những vấn đề còn tồn tại với mong muốn sẽ kết thúc đàm phán trong vài tháng tới. Sau khi đã thảo luận về những lựa chọn cho giai đoạn cuối của việc đàm phán, hai bên đã thống nhất để đạt được một kết quả tham vọng và cân bằng trong tất cả các lĩnh vực tiếp cận thị trường của đàm phán (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, dòng đầu tư, mua sắm Chính phủ) cũng như những quy định và nguyên tắc luật pháp (nhưng không chỉ giới hạn ở bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả Chỉ dẫn Địa lý ở cả hai khu vực; các doanh nghiệp Nhà nước; quy định luật pháp nội địa, bảo hộ đầu tư, thuế xuất khẩu và các hạn chế về xuất khẩu). Hai bên cùng chia sẻ sâu sắc rằng việc hoàn tất FTA sẽ giúp Việt Nam hội nhập thành công trên vai trò là một nền kinh tế thị trường vào nền kinh tế toàn cầu.
Để hướng tới mục đích này, lãnh đạo hai bên đã chỉ đạo các nhà đàm phán làm sâu sắc hơn nữa và hoàn thành công việc của mình theo đúng như cách tiếp cận mà hai bên đã cùng chia sẻ và thống nhất, dưới sự chỉ đạo cả nhà lãnh đạo cũng như dưới sự hướng dẫn của ngài Cao ủy Thương mại EU và ngài Bộ trưởng Công Thương Việt Nam để có thể kết thúc đàm phán trong những tháng tới đây. Hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi ở các cấp; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành như y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, môi trường, biến đổi khí hậu...
Bên cạnh các vấn đề song phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Manuel Barroso cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cùng nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Chủ tịch EC khẳng định lại lập trường của EU ủng hộ giải quyết các vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kêu gọi các bên liên quan không tiến hành các hành động đơn phương gây phương hại cho hòa bình, ổn định ở khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã chứng kiến lễ ký chính thức khoản viện trợ trị giá 400 triệu euro của Ủy ban châu Âu dành cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khởi sự vòng công du châu Âu từ 13/1/2014 tại Bruxelles với chuyến thăm Bỉ và Liên minh châu Âu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục vòng công du qua Đức và Italy, nơi Thủ tướng Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu tại Milano (16-17/10/2014). Cha Federico Lombardi, Giám đốc Báo chí Tòa thánh thông báo rằng, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Tòa thánh Vatican ngày 18/10 lúc 12 giờ 30 phút. Theo Cha Lombardi, cuộc tiếp xúc sẽ “làm sâu sắc những quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa thánh”.
BQT