Hà Nội

Việt Nam được cộng đồng quốc tế ngợi khen vì ứng phó hiệu quả với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai

25-09-2020 06:49 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cách tiếp cận của Việt Nam với đại dịch được ca ngợi là mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp. Nhiều chuyên gia từ các trường đại học trên thế giới đã nghiên cứu về cách thức Việt Nam ứng phó với đại dịch.

Sử dụng chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh

Tổ hợp truyền thông ABC của Australia mới đây có bài viết đánh giá về việc Việt Nam ứng phó hiệu quả với đợt dịch COVID-19 lần thứ 2. Bài báo nhận định, dịch COVID-19 lần thứ 2 xuất hiện tại Đà Nẵng từ cuối tháng 7, song nhờ việc nhanh chóng phong tỏa với sự kiểm soát chặt chẽ việc đi và đến thành phố này đã hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

GS. Guy Thwaites - Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh, các nhà chức trách tổ chức rất tốt các biện pháp giống với trước đây “nhưng trên quy mô lớn”. Theo GS. Thwaites, Việt Nam đã tiến hành xét nghiệm gộp mẫu khi lấy mẫu của 5-6 người hoặc người trong một gia đình để xét nghiệm chung một lần, nếu kết quả dương tính thì sẽ xét nghiệm riêng từng mẫu. “Bằng cách đó, họ đã xét nghiệm cho khoảng 100.000 người chỉ với 20.000 xét nghiệm. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc”, GS. Thwaites nhấn mạnh.

Trên trang thông tin của LHQ, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam - ông Kamal Malhotra đã có bài viết lý giải tại sao công tác ứng phó với đại dịch của Việt Nam lại thành công đến vậy. “Mặc dù xuất hiện làn sóng dịch mới từ ngày 25/7 nhưng đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Thành công của Việt Nam là do sự lãnh đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quân đội, chính quyền địa phương, mỗi người dân đã vào cuộc từ sớm. Việt Nam cung cấp địa điểm cách ly, các bữa ăn, xét nghiệm hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, người dân Việt Nam rất tuân thủ các quy định và khuyến nghị của chính phủ, lòng tin đó được xây dựng từ việc Chính phủ, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời với sự hỗ trợ của WHO và LHQ.

Tờ The Conversation khẳng định, Việt Nam là một câu chuyện thành công trong làn sóng dịch đầu tiên với tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, không có trường hợp nào tử vong, nhưng đến ngày 25/7, dịch bệnh COVID-19 bằng cách nào đó âm thầm trở lại, Đà Nẵng trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước. Việc ngăn chặn dịch bệnh ở Việt Nam trong cả làn sóng dịch thứ 1 và thứ 2 có sự đóng góp không nhỏ của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.

làn sóng dịch COVID-19 thứ haiMột người nước ngoài ở Đà Nẵng được xét nghiệm COVID.

Những câu chuyện thật

Tại Đà Nẵng, ngay khi dịch bùng phát, một công ty công nghệ địa phương đã phối hợp với chính quyền lập bản đồ lây nhiễm nhằm giúp người dân địa phương tránh các điểm “nóng” hoặc tìm kiếm các cơ sở y tế gần nhất. Phong trào chống dịch bệnh lan ra khắp các tỉnh thành, ngay cả sinh viên, học sinh cũng chung tay đóng góp vào hoạt động phòng chống dịch. Sinh viên các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã nhanh chóng tạo ra các robot để khử trùng bệnh viện, không gian công cộng, nhiều học sinh đã lắp ráp các loại máy rửa tay tự động cung cấp cho nhiều địa điểm.

Tờ The Conversation cho biết, trong đợt dịch đầu tiên, ca khúc Ghen Co Vy với vũ điệu rửa tay do các nghệ sĩ Việt phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam sản xuất đã lan truyền đi khắp thế giới. Sau đó, rất nhiều bài hát phòng chống COVID-19 đã ra đời. Nhiều tổ chức từ thiện xuất hiện nhằm hỗ trợ người vô gia cư thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay và nhiều mặt hàng thiết yếu. Sáng kiến về ATM khẩu trang của một doanh nhân phát khẩu trang miễn phí cho người nghèo trong đợt dịch thứ 2 cũng nhận được sự ủng hộ của người dân.

Tờ Conversation ấn tượng với những hoạt động chung tay phòng chống dịch tại Việt Nam, tất cả mọi người đều làm vì một mục tiêu và lợi ích lớn hơn cho cộng đồng. Đây chính là đức tính nhân văn, đoàn kết của người Việt Nam, là điều giúp Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng này.


Hải Yến
Ý kiến của bạn