Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB), trong vòng 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng. GDP năm 2018 đạt 7,1% và hiện đang tăng trưởng đều 6,6% trong năm 2019. Trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của Việt Nam xếp thứ 2.
Theo WB, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về y tế và giáo dục trong 20 năm qua. Tỷ lệ học sinh được tới trường và đạt kết quả học tập tốt, xếp hạng cấp bậc khá cao theo chỉ số PISA (Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế), thậm chí thành tích của học sinh Việt Nam còn cao hơn nhiều nước phát triển OECD.
Việt Nam xếp thứ 48/157 quốc gia và lãnh thổ về chỉ số tiềm năng con người (HCI), đứng thứ 2 ở ASEAN chỉ sau Singapore.
Theo PWC, Việt Nam đạt được chỉ số chăm sóc sức khỏe cơ bản tốt so với thu nhập. So với các quốc gia Đông Nam Á, chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cơ bản rất tốt.
Việt Nam đã vượt qua hầu hết các quốc gia Đông Nam Á về tuổi thọ (chỉ xếp sau Singapore và Brunei), tỷ lệ tử vong ở người lớn và trẻ sơ sinh cũng khá thấp.
Đến nay, Việt Nam đã có 89% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu là 73 điểm (trên 100), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (59) và toàn cầu (64).
BHYT còn được đưa vào điều trị cho bệnh nhân HIV. Trong chuyến thăm Việt Nam, TS. Robert R.Redfield, Giám đốc CDC Hoa Kỳ cho biết: “Việt Nam đã ức chế được tải lượng virus HIV rất cao so với thế giới. Thành tựu điều trị HIV ở Việt Nam có thể sánh với thành tựu điều trị HIV ở Hoa Kỳ.”
TS. Robert Redfield còn cho biết thêm: "Trong thời gian tới, Hoa Kỳ mong muốn có sự hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cúm gia cầm, đặc biệt là sản xuất vaccin ngừa cúm gia cầm. Việc sản xuất vaccin ngừa cúm không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho toàn thế giới. Vì vậy, CDC rất mong có thể hợp tác sản xuất vaccin cúm cùng Việt Nam."