Việt Nam dự kiến tiếp nhận khoảng 8,4 triệu liều vaccine COVID-19 trong tháng 9/2022

25-08-2022 16:27 | Tin nóng y tế

SKĐS - Về nguồn cung vaccine COVID-19, theo dự kiến vào tháng 9 tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận 7,8 triệu liều vaccine viện trợ cho người từ 12 tuổi trở lên; 0,6 triệu liều viện trợ cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi...

Bộ Y tế kêu gọi người dân tích cực tiêm vaccine COVID-19 qua chiến dịch "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" Bộ Y tế kêu gọi người dân tích cực tiêm vaccine COVID-19 qua chiến dịch 'Vui Trung thu và tựu trường an toàn'

SKĐS - Chiến dịch truyền thông "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" nhằm lan tỏa thông điệp cho nhiều đối tượng người dân trên khắp mọi miền tổ quốc hưởng ứng chiến dịch và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Sáng nay (25/8), Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm vaccine COVID-19. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Việt Nam dự kiến tiếp nhận khoảng 8,4 triệu liều vaccine COVID-19 trong tháng 9/2022 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo lên phương án đẩy nhanh tốc độ tổ chức tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8-9/2022; tiêm nhắc cho trẻ từ 12-17 tuổi hoàn thành trong quý III/2022; Tổ chức tiêm mũi 3 và 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Ảnh: Trần Minh.

Nhiều địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4, tiêm cho trẻ rất thấp, chậm

Dù cả nước đã tiêm đạt hơn 255 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân, song tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine cơ bản cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi đạt thấp, số lượng vaccine các địa phương đăng ký từ nay đến cuối năm thấp hơn nhiều so với số cần tiêm. Điều này đang đặt ra những vấn đề cần tháo gỡ để đẩy nhanh độ bao phủ vaccine trong thời gian tới... 

Đây cũng là những nội dung được bàn thảo trong cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành phố.

Báo cáo của đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến thời điểm này tổng số mũi tiêm trên toàn quốc là 255.132.271 mũi tiêm; nhóm từ 18 tuổi trở lên liều cơ bản đạt 100%, mũi thứ 3 đạt 75,6%, mũi 4 đạt 70%; Nhóm từ 12-17 tuổi, liều cơ bản đã đạt trên 100%, mũi thứ 3: 4.189.401 (đạt tỷ lệ 48,5%). 

Đặc biệt với nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi thứ 1 đạt 80%, mũi thứ 2 đạt 51%, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp dưới 40% như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Khánh Hòa….

Địa phương đăng ký số lượng vaccine COVID-19 thấp hơn thực tế cần tiêm, dẫn đến nguy cơ thiếu vaccine

Tại cuộc họp, đại diện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết thêm, một số địa phương đăng ký số lượng vaccine thấp hơn nhiều so với số đối tượng chưa được tiêm chủng. Khi kết quả tiêm tăng lên, nhu cầu vaccine cao hơn so với số đăng ký. Điều này dẫn tới công tác dự báo và dự trữ vaccine khó khăn, dẫn tới thiếu vaccine.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đề nghị các địa phương, với vaccine Pfizer, hiện thiếu cục bộ tại một số địa phương, đề nghị tỉnh, thành đang còn nhiều vaccine được phân bổ nhưng chưa sử dụng báo cáo lại Viện để điều chuyển cho địa phương khác có nhu cầu. 

Với vaccine Moderna, các địa phương chỉ sử dụng để tiêm mũi 2 cho trẻ 6 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 là vaccine Moderna. Tỉnh nào còn dư thừa vaccine sau khi tiêm đủ 2 mũi cho trẻ báo cáo lại Viện để điều chuyển cho địa phương khác có nhu cầu.

Cũng theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ TW: Vaccine hiện nay chủ yếu từ nguồn viện trợ, nếu các địa phương không báo chuẩn số liệu đúng nhu cầu thì không có vaccine. Do đó, đề nghị các Viện Pasteur/ Vệ sinh dịch tễ các khu vực, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật cần rà soát một lần nữa số người cần tiêm chủng để điều chỉnh lại số vaccine cần tiêm, nhằm chủ động trong kế hoạch dự trù vaccine của cả nước.

Phải quyết liệt đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Về nguồn cung vaccine, theo dự kiến vào tháng 9 tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận 7,8 triệu liều vaccine viện trợ cho người từ 12 tuổi trở lên, trong đó 1,2 triệu liều Pfizer từ COVAX, 4,2 triệu liều Pfizer từ Chính phủ Úc qua UNICEF; 2,36 triệu liều vaccine AstraZeneca từ VNVC. 

Việt Nam dự kiến tiếp nhận khoảng 8,4 triệu liều vaccine COVID-19 trong tháng 9/2022 - Ảnh 3.

Các điểm cầu dự hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Trần Minh.

Cùng thời điểm này, Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận 0,6 triệu liều vaccine viện trợ cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi từ COVAX và ASEAN.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo lên phương án đẩy nhanh tốc độ tổ chức tiêm liều cơ bản cho trẻ em  từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8-9/2022 và tiêm nhắc cho đối tượng 12-17 tuổi hoàn thành trong quý III/2022 ngay khi trẻ quay lại trường học. 

Tổ chức tiêm nhắc cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt những người đang làm việc tại các khu công nghiệp, cán bộ tuyến đầu, lực lượng công an, bộ đội, giáo viên, cung cấp dịch vụ cơ bản... Tăng cường rà soát, quản lý đối tượng, tăng độ bao phủ mũi 3 đạt trên 90%.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị các tỉnh/thành phố thành lập các tổ công tác liên ngành, trong đó ngành Y tế làm nòng cốt để tiến hành tiêm an toàn, đảm bảo cung cấp vaccine. 

Đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tăng cường hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường tiến độ tiêm chủng phòng COVID-19 theo đúng tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Liên quan đến vaccine tiêm cho trẻ em, theo Viện Vệ sinh dịch tễ TW, trong thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã tiếp nhận viện trợ và phân bố 9.187.200 liều vaccine Moderna trẻ em (0,25ml) cho các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm cho trẻ từ 6 - dưới 12 tuổi.

Tuy nhiên khi triển khai, nhiều gia đình có trẻ đã tiêm mũi 1 là vaccine Moderna không đưa con đi tiêm mũi 2 hoặc trẻ bị ốm, mắc COVID-19 nên phải trì hoãn. Trong khi đó, vaccine Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày kể từ khi rã đông nên nhiều tỉnh thành đã sử dụng vaccine này tiêm nhắc cho người lớn. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu khoảng 274.000 liều để tiêm nhắc lại cho trẻ.

Sáng 25/8: Nhiều bệnh nhân nặng, trẻ em mắc COVID-19 đều chưa tiêm vaccineSáng 25/8: Nhiều bệnh nhân nặng, trẻ em mắc COVID-19 đều chưa tiêm vaccine

SKĐS - Số bệnh nhân COVID-19 nặng trên cả nước đang gia tăng, thống kê của một số cơ sở điều trị cho thấy khá nhiều bệnh nhân là người lớn và trẻ em đều chưa tiêm vaccine; Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, ung thư…

Thái Bình
Ý kiến của bạn