Sáng 9/6, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa.
Thủ tướng nhấn mạnh, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Đặc biệt, trong Lễ ra quân còn có chương trình trao "Chứng nhận các thành viên tham gia Liên minh Chống rác thải nhựa ngành hàng bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng" và trao "Biểu trưng cho các Đại sứ Phong trào chống rác thải nhựa" nhằm khuyến khích, động viên, tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua đã có những hoạt động ý nghĩa; cam kết và thực hiện tích cực giảm thiểu, hạn chế, chống rác thải nhựa nhằm tạo ảnh hưởng mạnh mẽ, lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng, tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa.
Lễ ra quân với quy mô lớn lần này sẽ góp phần lan tỏa rộng khắp cả nước, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nói không với túi ni lông và rác thải nhựa. "Tổ quốc Việt Nam xanh ngắt có sạch đẹp được mãi được không? Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi"! - Mỗi người dân hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay hôm nay và ngay bây giờ vì một Việt Nam xanh, vì Trái đất xanh.
Thủ tướng thăm triển lãm các sản phẩm thay thế đồ nhựa.
5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ mỗi năm
Theo Bộ TNMT, hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Lượng rác nhựa do con người thải ra mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất; trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.
Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Theo đánh giá của Bộ TNMT, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh.
Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Đơn cử như TP.HCM, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.
Tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng nếu không có giải pháp hữu hiệu. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Không chỉ vậy, thế giới cũng đang phải đối mặt với khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn từ lục địa đổ vào các đại dương mỗi năm. Còn theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Hoạt động vẽ tranh tập thể chủ đề bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa với các nội dung: Vẽ tranh, trưng bày tranh ảnh, các sáng kiến, giải pháp, hoạt động tái chế; trưng bày các sản phẩm thân thiện với môi trường của thiếu nhi thành phố Hà Nội.