Hà Nội

Việt Nam đối diện tình trạng nhiều người không có lương hưu vào năm 2030?

05-07-2021 11:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay, khoảng 3/4 người lao động ở Việt Nam là lao động phi chính thức và hầu hết những người lao động thuộc nhóm này không được hưởng lương hưu hay tiếp cận với các quyền lợi bảo hiểm xã hội. ILO cảnh báo sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo năm 2020 cho thấy, trong khu vực ASEAN, chỉ có khoảng 1/3 số người từ 60 tuổi trở lên được nhận lương hưu thường xuyên hoặc một lần. Còn ở các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á, mức trợ cấp tiền mặt tối thiểu hàng tháng trong nhiều trường hợp thường thấp hơn mức lương tối thiểu.

Ở Việt Nam, những người trên 60 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội với mức hỗ trợ tối thiểu 270.000 đồng/tháng (11,70 USD), thấp hơn 16 lần so với mức lương tối thiểu hàng tháng của quốc gia là 4,42 triệu đồng.

Trước đó, trong báo cáo được công bố vào năm 2019, ILO cảnh báo sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030, trừ khi Chính phủ có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổ chức này kiến nghị Việt Nam nên đưa ra một hệ thống hưu trí đa bậc nhằm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho những người lao động về hưu thông qua các khoản lương hưu được hỗ trợ thuế, bảo hiểm xã hội bắt buộc và lương hưu bổ sung.

ILO cho hay, khoảng 3/4 người lao động ở Việt Nam là lao động phi chính thức và hầu hết những người lao động thuộc nhóm này không được hưởng lương hưu hay tiếp cận với các quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ khoảng 21 triệu người cao tuổi, chiếm tới 20% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, sẽ chỉ mất 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%.

Đây thật sự là vấn đề đang gây áp lực lên các nguồn quỹ phúc lợi xã hội cho người cao tuổi. Các nghiên cứu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á cho thấy, lương hưu xã hội phổ cập có thể giúp người dân có một cuộc sống ổn hơn khi về già.


Quang Hưng (tổng hợp)
Ý kiến của bạn