Việt Nam - điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

16-04-2020 14:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Một số trang web uy tín của nước ngoài đã đăng tải thông tin này.

Trên trang Quỹ châu Á - Thái Bình Dương Canada (asiapacific.ca) có bài viết với tiêu đề “How Vietnam is Winning its War against COVID-19” (Cách Việt Nam chiến thắng cuộc chiến COVID-19). Theo đó, Việt Nam là một trong vài nước hiếm hoi chưa có ca tử vong do đại dịch COVID-19. Trong khi nhiều nước trên thế giới ban đầu có phần chưa thực sự chủ động, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh khi dịch mới bắt đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc. Do có chung đường biên giới và quan hệ thương mại khăng khít với Trung Quốc, kể từ cuối tháng 12/2019, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát rất chặt chẽ tình hình. Cuộc họp khẩn của Bộ Y tế Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 15/1 bàn thảo phương pháp phòng dịch. Khi ca đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1, cả đất nước đã sẵn sàng. Vào Tết âm lịch, Bộ Y tế nhanh chóng đưa ra hướng dẫn kiểm soát và phòng dịch. Tới ngày 26/2, toàn bộ 16/16 ca nhiễm của Việt Nam giai đoạn 1 khỏi bệnh và ra viện. Trong giai đoạn 2, Việt Nam tiến hành các biện pháp khai báo y tế tại sân bay, cách ly và truy tìm người tiếp xúc gần (trong đó truy tìm 40 nghìn người từng tới BV Bạch Mai).

Không chỉ là tấm gương sáng trong phòng chống đại dịch, Việt Nam còn thể hiện tinh thần đoàn kết cùng cộng đồng quốc tế trong cơn hoạn nạn.

Không chỉ là tấm gương sáng trong phòng chống đại dịch, Việt Nam còn thể hiện tinh thần đoàn kết cùng cộng đồng quốc tế trong cơn hoạn nạn.

Với những bài học chiến thắng dịch SARS thành công vào năm 2003, Việt Nam có 2 biện pháp quan trọng trong khống chế thành công sự lây lan COVID-19: Truy tìm người tiếp xúc gần với người bệnh, giám sát cách ly những ca nghi nhiễm. Ứng dụng thông minh NCOV trên điện thoại di động là một biện pháp hay Việt Nam đã áp dụng mà asiapacific.ca cho rằng Canada cũng có thể áp dụng tương tự để phòng dịch hiệu quả ở nước này.

“The ASEAN Post” (Bưu điện ASEAN) trong bài viết “Vietnam’s Exemplary Response to COVID-19” (Việt Nam, tấm gương điển hình trong ứng phó COVID-19) cho rằng, với dân số 95 triệu người, Việt Nam có số ca mắc tương đối thấp. 21 cơ sở y tế trên khắp Việt Nam có khả năng xét nghiệm, Việt Nam còn phát triển thành công bộ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 cho kết quả chỉ trong vòng 1 giờ. Mặc dù với nguồn lực hạn chế so với nhiều quốc gia giàu có khác trên thế giới, nhưng Việt Nam, một thành viên ASEAN đã có những biện pháp tiên phong trong ứng phó với đại dịch. Có lẽ, ASEAN và thế giới có thể học hỏi từ cách ứng phó mau lẹ với đại dịch COVID-19 từ Việt Nam.

Truyền hình DW (Đức) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bày tỏ ngạc nhiên về cách Việt Nam chiến thắng COVID-19. Bởi là quốc gia đông dân sát biên giới với Trung Quốc, nguồn lực y tế còn hạn chế và quỹ dành cho chống dịch COVID-19 cũng không nhiều, Việt Nam có số ca mắc khá thấp trong khi đại dịch đang hoành hành rộng khắp ở nhiều quốc gia tại châu Âu. Việt Nam đã làm rất tốt công tác chống dịch. Kể từ Tết, Việt Nam đã “tuyên chiến với dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã coi “chống dịch như chống giặc” và huy động toàn lực, toàn dân chung sức đồng lòng chống dịch.

Việt Nam đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo An LHQ và Chủ tịch ASEAN. Ở cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong tháng 4 đã điện đàm cho các nguyên thủ như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Australia Scott Morrison về hợp tác phòng chống dịch COVID-19 song phương và trong khu vực.

Việt Nam gửi những lô hàng vật tư y tế tới các quốc gia tâm dịch Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, các nước châu Âu và trong khối ASEAN như gửi một phần tình cảm, động viên tinh thần từ trái tim Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải trên Twitter cảm ơn 450 nghìn trang phục phòng hộ COVID-19 từ Việt Nam. Việt Nam cũng đóng góp 50 nghìn USD cho Quỹ chống dịch COVID-19 của WHO Thái Bình Dương và hỗ trợ Lào, Campuchia chống dịch.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn