Tây Thái Bình Dương - Khu vực an toàn và khỏe mạnh nhất thế giới
Mới đây, một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm từ các nước Tây Thái Bình Dương - khu vực được coi là “khỏe mạnh và an toàn nhất thế giới” do tạp chí y khoa danh tiếng Lancet phối hợp với WHO tổ chức. GS. Jeffrey D.Sach, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tại Đại học Columbia (Mỹ), Chủ tịch Ủy ban COVID-19 của Lancet đã nhận định không có một lời lý giải đơn lẻ nào về thành công của khu vực trong khống chế sự lây lan của virus, nhưng bài học quan trọng nhất rút ra từ kinh nghiệm các nước chính là sự ứng phó kịp thời, hiệu quả. Trong đó bao gồm cả tầm quan trọng của việc sẵn sàng chuẩn bị trước đại dịch, củng cố hệ thống y tế, tầm quan trọng của xét nghiệm và ứng phó y tế công toàn diện. Thực hiện 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người), khai báo y tế vẫn là bài học không bao giờ cũ. Đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, đầu tư dài hạn và cam kết tăng cường năng lực, truy vết, giám sát đa nguồn giúp Tây Thái Bình Dương trở thành điểm sáng trên thế giới. GS. Jeffrey D.Sach cũng tỏ ra rất khâm phục trước những quyết sách “đón đầu” giúp khu vực tránh được thảm họa như ở Mỹ hay châu Âu - nơi có hệ thống y tế phát triển.
TS.Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cho biết, khu vực đã chứng kiến truyền thông phòng chống dịch rất hiệu quả ở nhiều nước, trong đó điển hình là Việt Nam, Singapore và New Zealand. Ông cũng chứng kiến sự cam kết cộng đồng mạnh mẽ ở các quốc gia thành viên nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. “Tôi cảm thấy rất tự hào về tinh thần đoàn kết thể hiện ở sự tương tác giữa các quốc gia thành viên, từ trao đổi kỹ thuật như quản lý lâm sàng, xét nghiệm tới cam kết hỗ trợ tiếp cận công bằng vắc-xin COVID-19... Có thể kể đến một vài quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam và New Zealand đã chứng tỏ rằng ứng phó y tế công năng động có thể giúp khống chế sự lây lan của dịch bệnh, cho phép cuộc sống quay trở lại gần như bình thường. Khống chế sự lây lan COVID-19 tại cộng đồng là cách tốt nhất để bảo vệ các nền kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia, TS. Takeshi Kasai chia sẻ tại diễn đàn phối hợp với Lancet.
Vắc-xin COVID-19 do Việt Nam tự sản xuất tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người vào ngày 17/12/2020.
Điểm sáng Việt Nam
Là một thành viên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam ngày càng chứng tỏ vai trò của mình trên các diễn đàn toàn cầu. Kinh nghiệm khống chế dịch COVID-19 thành công của Việt Nam đã trở thành những câu chuyện với những hàng tít lớn trên truyền thông toàn cầu, từ BBC, Guardian của Anh đến CNN, AP của Mỹ, India Times (thời báo Ấn Độ), DW (Đức), AFP (Pháp),... Việt Nam cũng được mời chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn Bộ trưởng Y tế G20, Bộ trưởng Y tế Tây Thái Bình Dương, Bộ trưởng Y tế châu Á - Thái Bình Dương, Đại hội đồng Y tế Thế giới... Việt Nam cũng từng đại diện Tây Thái Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch tại cuộc họp bộ trưởng WHO cấp toàn cầu.
Đặc biệt, trong năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, khu vực đã trở thành tâm điểm toàn cầu với việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Một loạt các hãng thông tấn toàn cầu đã đưa sự kiện trọng đại với các tiêu đề như “các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP”, “RCEP mở ra bình minh thế kỷ châu Á” bởi hiệp định thương mại này lớn nhất thế giới xét trên phương diện tổng GDP (2,1 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu), và hiệp định mang tầm xuyên suốt khu vực và có tầm ảnh hưởng lớn đối với thương mại châu Á. Trước RCEP, Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng đã mở đường để hai bên tăng cường cơ hội phát triển kinh tế. Tạp chí các vấn đề quốc tế của Nga nhận định, trong nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất siêu 4,04 tỷ USD. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam cũng là 1 trong 4 nền kinh tế thế giới đạt tăng trưởng GDP bình quân đầu người (2,4%) trong năm 2020. Trong năm Chủ tịch ASEAN, sáng kiến của Việt Nam về quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 đã nhận được sự ủng hộ từ các đối tác quốc tế và huy động được sự đóng góp từ Liên minh châu Âu (20 triệu euro), Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Chuyên gia Christopher Lemiere từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) chia sẻ, ông rất ấn tượng trước những thành tựu của Việt Nam trong vượt qua đại dịch COVID-19. “Có thể nói rằng Việt Nam là một trong những nước ứng phó tốt nhất trước đại dịch COVID-19. Trong tương lai, chúng tôi hoàn toàn có thể lạc quan, tin tưởng vào Việt Nam bởi chúng ta đã xác định được những ưu tiên, đối tượng mục tiêu chính xác, rất đúng và phù hợp trong chiến lược y tế”. Chuyên gia Christopher Lemiere cũng bày tỏ lạc quan về việc Việt Nam đang nỗ lực tự sản xuất vắc-xin phòng COVID-19. Hiện nay, vắc-xin COVID-19 của Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm, World Bank luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai những nỗ lực này, ông cho biết.