Video chuyên gia nước ngoài đánh giá Việt Nam là nước đi đầu khu vực ĐNÁ về phẫu thuật cột sống bằng ứng dụng Robot định vị
Video Theo GS.TS. Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Việt Đức, trình độ phẫu thuật cột sống bằng ứng dụng Robot của Việt Nam sánh ngang tầm Thế giới
Tại hội thảo cập nhật những tiến bộ mới nhất về phẫu thuật cột sống bằng robot tổ chức ngày 26-4 ở Hà Nội, ông Amir Kimel-Giám đốc Hãng Mazor Robotic đánh giá: BV Hữu nghị Việt Đức là trung tâm phẫu thuật cột sống ứng dụng định vị robot hỗ trợ chính xác Renaissance cho người bệnh đầu tiên với số lượng nhiều nhất tại Đông Nam Á. Hiện nay có 20 nước trên thế giới ứng dụng phẫu thuật bằng Robot,160 Robot đã được đưa vào ứng dụng và thực hiện được trên 25.000 ca phẫu thuật. Ông Amir Kimel đánh giá
Ông Amir Kimel chia sẻ: “Ứng dụng Robot trong phẫu thuật là một lĩnh vực rất mới nhưng PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch - Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình châu Á đã tìm tòi và dũng cảm dấn thân thực hiện kỹ thuật mới này. Điều này thể hiện một tầm nhìn lớn của người lãnh đạo. Và kết quả cho thấy, Việt Nam đã thực hiện rất tốt, các ca mổ bằng Robot đã thực hiện không bị biến chứng, người bệnh có cuộc sống ổn định sau mổ” – Ông Amir Kimel chia sẻ.
Tổ chức Nghiên cứu và ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống quốc tế tặng Khoa Phẫu thuật cột sống và PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch Kỷ niệm chương “Vì sự tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance để điều trị cho người bệnh”.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết từ tháng 12/2012, BV Hữu nghị Việt Đức thực hiện mổ cột sống bằng kỹ thuật Robot. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được các chuyên gia thế giới ghi nhận là trung tâm phẫu thuật cột sống ứng dụng định vị robot hỗ trợ chính xác Renaissance cho người bệnh đầu tiên và nhiều nhất Đông Nam Á. Tới nay, Việt Nam đã thực hiện hơn 600 ca phẫu thuật bằng Robot.
Theo GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, với việc mạnh dạn đi đầu trong thực hiện phẫu thuật bằng Robot Renaissance, khoa Phẫu thuật Cột sống của BV Hữu nghị Việt Đức đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Hơn 600 ca bệnh được phẫu thuạt cột sống bằng Robot không bị xảy ra tai biến.
Nhiều bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Hữu nghị Việt Đức thực hiện phẫu thuật cột sống bằng phẫu thuật cột sống ứng dụng định vị robot Renaissance cũng tới hội nghị.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch (đứng giữa) và các bác sĩ khoa Phẫu thuật cột sống BV Hữu nghị Việt Đức cùng các bệnh nhân đã được phẫu thuật cột sống thành công bằng Robot ứng dụng
Trả lại niềm vui cho nhiều con người với cuộc đời “ngay ngắn”
Bà Thân Thị Thanh (71 tuổi) ở Hà Tĩnh là bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật cột sống bằng robot tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2012.
Bà Thanh cho hay, bà mắc bệnh về cột sống 2 năm trước khi phẫu thuật. Bà cảm thấy rất đau đớn ở trên cơ thể và đi lại rất khó khăn, chỉ đi được khoảng 5 mét là phải dừng và nghỉ. Sau khi mổ xong 1 tuần, sức khỏe hồi phục, bà Thanh đã tập đi lại được. Bà Thanh cho hay: “Sau mổ và cho đến nay sức khỏe của bà hoàn toàn bình thường, bà vận động và đi lại tốt như những người bình thường khác và không có biến chứng nào.”.
Cháu Lê Hà Phương Anh – 13 tuổi (Hà Nội) cho biết cháu bị cong vẹo cột sống và đã được phẫu thuật 2 năm nay. Từ nhỏ tới 11 tuổi, cháu phát triển bình thường nhưng mẹ cháu đột nhiên phát hiện cháu ngồi học với tư thế lạ, 2 vai lệch nên đưa cháu đi khám và bác sĩ nói cháu bị cong vẹo cột sống. Nếu không phẫu thuật, phần cột sống sẽ phát triển vẹo khiến cháu sẽ mặc cảm về hình thức và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống. Sau khi phẫu thuật xong, sức khỏe của cháu trở về bình thường, thân hình phát triển rất cân đối.
Video: Bà Thân Thị Thanh (71 tuổi) ở Hà Tĩnh đi lại, cử động như bình thường sau khi được phẫu thuật cột sống bằng Robot ứng dụng
Nhiều bệnh nhân chia sẻ về tình trạng sức khỏe sau khi phẫu thuật tại hội nghị
Bà Thân Thị Thanh (71 tuổi) ở Hà Tĩnh đi lại, cử động như bình thường sau khi được phẫu thuật cột sống bằng Robot ứng dụng
Độ chính xác gần 100% - yên tâm phẫu thuật cột sống bằng ứng dụng Robot
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch - Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình châu Á – người đưa kỹ thuật phẫu thuật cột sống bằng robot về Việt Nam, cho biết phẫu thuật cột sống bằng Robot là kỹ thuật của người giầu để phục vụ người nghèo. Mổ phẫu thuật cột sống bằng Robot đã được BHYT chi trả.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, phẫu thuật cột sống bằng Robot là phẫu thuật được thực hiện tại nhà tức là: Bác sĩ đã có những dữ liệu của người bệnh trong máy tính và sẽ tính toán để tạo ra kích thước của vít, độ dài của vít phù hợp với từng đốt sống của người bệnh và sau đó sẽ đưa chuyển cho Robot tiến hành kỹ thuật mổ.
Phẫu thuật bằng Robot sẽ tránh được tình trạng mất nhiều máu trong mổ. Khi tiến hành mổ bằng Robot, khoảng rạch da rất nhỏ, ít xâm lấn, nên vết thương không phải tiếp xúc nhiều với môi trường vì vậy mà khả năng nhiễm trùng rất nhỏ so với mổ thông thường.
Trước đây, phẫu thuật cột sống theo phương pháp mổ thông thường phải mất hơn 10h đồng hồ, trang thiết bị, dụng cụ thiếu thốn vì vậy, khả năng rủi ro, tai biến cao nhất là phẫu thuật cột sống là một nơi dễ bị tổn thương.
Cũng theo PGS. Thạch, trước đây, mổ cột sống chưa được đưa vào mổ cấp cứu bởi phải chuẩn bị rất nhiều khâu nhưng hiện nay, do mổ bằng Robot, các quá trình thiết kế vit đã được bác sĩ tính toán trước rất chi tiết nên mổ cột sống đã được đưa vào mổ cấp cứu. Hiện nay, mỗi ca phẫu thuật cột sống bằng Robot chỉ còn trung bình một tiếng rưỡi với bệnh nhân chấn thương cột sống và 3 tiếng với bệnh nhân trượt đốt sống, bao gồm cả ghép xương liên thân đốt. Hiện nay, mỗi tuần tại BV Hữu nghị Việt Đức tiến hành tới 5, 6 ca và đã trở thành thường quy.
Video: PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch nói về những lợi ích của phẫu thuật cột sống bằng ứng dụng Robot
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch (đứng giữa) và các bác sĩ khoa Phẫu thuật cột sống BV Hữu nghị Việt Đức tái khám cho những bệnh nhận đã được phẫu thuật bằng Robotuwngs dụng
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch cho biết, trước đây, khi phẫu thuật cột sống bằng phương pháp bắt vít kinh điển, cả bệnh nhân và phẫu thuật viên đều phải chịu mức độ phơi nhiễm của tia X cao nhưng dưới sự định vị robot Renaissance, mức phơi nhiễm tia X đã giảm đến 98.2% đối với cả người bệnh và thầy thuốc. Điều này giúp giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh ung thư của phẫu thuật viên và người bệnh.
TS. Đinh Ngọc Sơn -Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống Bv Hữu nghị Việt Đức cho biết: Trong lĩnh vực cột sống, robot được áp dụng trong các can thiệp lối sau, đặc biệt trong phẫu thuật ít xâm lấn. Ứng dụng robot hỗ trợ phẫu thuật như bắt vít cột sống ngực – thắt lưng qua cuống trong phẫu thuật chỉnh vẹo, phẫu thuật chấn thương cột sống, bệnh lý thoát vị đĩa đệm hoặc trượt đốt sống hàn xương liên thân đốt, bơm xi măng sinh học hoặc sinh thiết thân đốt sống qua cuống... và tiến tới ứng dụng cho phẫu thuật cột sống cổ sau.
Theo TS. Đinh Ngọc Sơn, trước đây đã có nhiều ứng dụng hỗ trợ trong quá trình mổ như hệ thống định vị Navigation, máy O-arm, cộng hưởng từ trong mổ, nhưng tỷ lệ bắt vít qua cuống sai vị trí còn cao tới 10 - 25% trong phẫu thuật chỉnh vẹo và khoảng 4,2% ở bệnh nhân thoái hóa. Tuy nhiên, với việc ứng dụng robot Renaissance trong phẫu thuật các trường hợp chấn thương cột sống ngực – thắt lưng, bệnh lý trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm, chỉnh vẹo cột sống ngực – thắt lưng lối sau đã khắc phục được tỉ lệ sai số bởi độ chính xác và an toàn khi bắt vít qua cuống cột sống.