Việt Nam đẩy mạnh Y học gia đình

10-04-2013 20:49 | Quốc tế
google news

Ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp ông R.Demotte, Thủ hiến Vùng Wallonie, Vương quốc Bỉ bàn về việc tiếp tục phát triển Dự án Y học gia đình tại Việt Nam.

- Ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp ông R.Demotte, Thủ hiến Vùng Wallonie, Vương quốc Bỉ bàn về việc tiếp tục phát triển Dự án Y học gia đình tại Việt Nam.
Việt Nam đẩy mạnh Y học gia đình 1
 Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà lưu niệm cho ông R. Demotte, Thủ hiến Vùng Wallonie, Vương quốc Bỉ. Ảnh: TM

LTS: Từ ngày 8-13/4/2013, ông Rudy Demotte, Thủ hiến các Chính phủ vùng Wallonie và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp đang thực hiện chuyến thăm chính thức tại Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Nhân dịp này, Thủ hiến Rudy Demotte và Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie, Bỉ, C.Bourgoignie tại Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống một số kinh nghiệm trong phát triển y tế.

Thủ hiến Rudy Demotte: Phát triển Y học gia đình giúp giảm gánh nặng chi phí y tế

Việt Nam đẩy mạnh Y học gia đình 2
PV: Được biết khi còn là Bộ trưởng Bộ Y tế, ông đã ghi dấu ấn qua thành công trong việc cải cách chính sách bảo hiểm y tế an sinh xã hội. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm về cân đối ngân sách bảo bảo hiểm y tế tại Wallonie?

Thủ hiến Rudy Demotte: Chúng tôi đã nỗ lực trong một thời gian dài nhằm giảm chi phí bảo hiểm y tế, gồm 4 yếu tố: Thứ nhất là giảm chi phí về thuốc trong các bệnh viện. Tôi phải tìm hiểu trên thị trường xem các loại thuốc nào có cùng thành phần, trên cơ sở đó tôi yêu cầu bệnh viện chỉ sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục thuốc của bệnh viện. Như vậy là đã tiết kiệm được một khoản chi phí. Thứ hai là sử dụng thuốc đặc trị, đúng bệnh đúng thuốc, tôi trả tiền cho những loại thuốc mới, có hiệu quả cao. Ví dụ như thuốc chống ung thư, chúng tôi lựa chọn loại thuốc hiệu quả nhất. Bởi khi điều trị hiệu quả, việc tiếp tục sử dụng thuốc sẽ giảm. Thứ ba là tiết kiệm trong chi phí cho thiết bị y tế (TBYT), đặc biệt những thiết bị đắt tiền. Bởi các bệnh viện thường có sự cạnh tranh lớn trong việc trang bị thiết bị y tế, mỗi bệnh viện sẽ có đối tác TBYT riêng. Chính vì vậy, chúng tôi tổ chức Hiệp hội TBYT và mời các bệnh viện cùng tham gia. Như vậy, tất cả thông tin và giá cả sẽ được công khai. Cả bệnh viện và đối tác TBYT đều tiết kiệm được chi phí. Yếu tố cuối cùng là chúng tôi lên một bảng chỉ dẫn cụ thể, quy định bệnh gì sẽ dùng thuốc gì, áp dụng chung cho tất cả các bệnh viện. Như vậy sẽ không có sự phát sinh chi phí trong việc dùng thuốc giữa các bệnh viện.

Khi tôi nhậm chức, ngành y tế Bỉ nợ 600 triệu euro tiền bảo hiểm y tế. Sau 4 năm, khi tôi kết thúc nhiệm kỳ, ngành y tế thu được hơn 500 triệu euro tiền lãi từ bảo hiểm y tế.

PV: Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm nào của Bỉ trong lĩnh vực y tế?

Thủ hiến Rudy Demotte: Mỗi nước có cơ cấu xã hội khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi Việt Nam có thể áp dụng được mô hình bảo hiểm y tế và  mô hình Y học gia đình (YHGĐ) của Bỉ. Bác sĩ gia đình tại Bỉ được nằm trong danh mục chi trả bảo hiểm y tế. Đặc biệt, đối với bệnh nhân ở xa các thành phố lớn, việc chăm sóc ban đầu, tại chỗ rất quan trọng. Mô hình YHGĐ đảm đương rất tốt nhiệm vụ này. Nó sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện đồng thời cũng giảm gánh nặng lớn cho bảo hiểm y tế.

 

Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie C. Bourgoignie: Y học gia đình sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp giảm tải bệnh viện

Việt Nam đẩy mạnh Y học gia đình 3
PV: Ông có thể cho biết các dự án y tế trọng điểm giữa phái đoàn Wallonie, Bỉ với Việt Nam?

Ông C.Bourgoignie: Dự án quan trọng nhất là Phát triển YHGĐ. Dự án này được triển khai từ năm 2007. Theo tôi được biết, từ nay đến năm 2020, YHGĐ là một trong những lĩnh vực Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu.

Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án nhằm  xây dựng Bộ môn YHGĐ tại Việt Nam. Ban đầu, phía Việt Nam chỉ có 4 đối tác, hiện con số này lên đến 10, gồm: Trường ĐH Y khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Bộ Nông nghiệp, Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Y Hải Phòng, Trường ĐH Y Huế, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Thái Bình, Trường ĐH Y Cần Thơ và Trạm y tế xã Chương Dương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai dự án đào tạo điều dưỡng nhằm hỗ trợ cho dự án YHGĐ. Điều dưỡng viên là cầu nối quan trọng giữa  bệnh nhân và bác sĩ.

Một dự án nữa không kém phần quan trọng là “Nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc an toàn hợp lý tại bệnh viện”. Chương trình đào tạo hiện nay chưa đầy đủ để có thể cho phép dược sĩ đảm nhiệm vụ dược sĩ lâm sàng tại các bệnh viện. Mặt khác, kháng kháng sinh đang là mối lo toàn cầu. Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày một tăng. Hơn nữa, các bộ phận vi sinh học và các bộ phận lâm sàng còn thiếu phối hợp với nhau trong việc chẩn đoán sớm và nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác điều trị. Trước thực trạng đó, dự án của chúng tôi nhằm mục tiêu xây dựng một chiến lược sử dụng hợp lý, an toàn thuốc kháng sinh trong các bệnh viện. Chuẩn hóa quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện. Tăng cường hiệu quả hoạt động của dược lâm sàng tại các bệnh viện. Chúng tôi mở các khóa tập huấn không chỉ cho giảng viên đại học dược mà còn cho cả bác sĩ.

PV: Tại sao YHGĐ lại là dự án quan trọng nhất, dự án đó sẽ có ý nghĩa gì đối với ngành y, thưa ông?

Ông C.Bourgoignie: Trong bối cảnh quá tải bệnh viện trầm trọng hiện nay, YHGĐ là một trong những giải pháp tối ưu. YHGĐ sẽ giúp người dân không phải ngay lập tức đến bệnh viện lớn khi mắc các bệnh nhẹ hoặc triệu chứng thông thường. Bệnh viện chỉ nên dành cho trường hợp cấp cứu hoặc bệnh nặng. Mặt khác, đối với các bệnh lý chuyên khoa, bác sĩ gia đình sẽ tư vấn giúp bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Bác sĩ gia đình không chỉ giúp bệnh nhân có thể gặp đúng bác sĩ chuyên khoa mà còn giúp bệnh viện tiết kiệm thời gian chẩn bệnh bởi khi tiếp nhận bệnh nhân từ bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa đã có đầy đủ hồ sơ bệnh lý. Như vậy, bệnh nhân luôn có một bác sĩ hiểu tương đối toàn diện về lịch sử bệnh lý của mình, tư vấn giới thiệu bác sĩ chuyên khoa cũng như bệnh viện phù hợp trong trường hợp bệnh nặng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ có hồ sơ lịch sử bệnh lý đầy đủ của bệnh nhân nên tiết kiệm được thời gian chẩn bệnh. Bệnh nhân sẽ được xử lý nhanh, kịp thời. Như vậy, cả bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa đều có lợi khi tận dụng được ưu thế của bác sĩ gia đình.

Mặt khác, khi đến bệnh viện, bệnh nhân luôn phải tuân theo một phác đồ điều trị của bệnh viện, hệ quả là chi phí sẽ cao khi bệnh mới ở mức nhẹ, chưa cần áp dụng đến phác đồ phức tạp. Điều đó kéo theo sự lãng phí chi phí xã hội cũng như chi phí bảo hiểm y tế.

Ở Việt Nam cũng có những mô hình bác sĩ gia đình như bác sĩ đến khám tận nhà, các trạm y tế, phòng mạch tư nhân... Tuy nhiên, chương trình đào tạo y khoa tại Việt Nam chưa khai thác hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình. Bởi vậy, dự án của chúng tôi nhằm mục đích hỗ trợ các trường đại học y đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình chuyên nghiệp. 

PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Bỉ trong việc phát triển hiệu quả mảng YHGĐ cũng như việc xử lý lạm dụng thuốc?

Ông C.Bourgoignie: Tại Bỉ, chúng tôi vẫn phải thường xuyên khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn nữa vào mô hình YHGĐ. Ngay cả tại Bỉ, người dân cũng có xu hướng ốm là vào viện. Vì vậy, bác sĩ chuyên khoa thì vô cùng bận rộn, bệnh viện cũng thường xuyên ở mức quá tải (theo chuẩn EU), đặc biệt là khoa cấp cứu bởi cứ đến cấp cứu là được phục vụ ngay. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn có những khuyến cáo để người dân hiểu rõ lợi ích của YHGĐ, đặc biệt trong lợi ích về bảo hiểm y tế. Nếu cân đối được chi phí bảo hiểm y tế cho bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa thì sẽ cân đối được ngân sách bảo hiểm y tế.

PV: Trân trọng cảm ơn hai ông!

Yến Châu (Thực hiện)

Việt Nam đẩy mạnh Y học gia đình 4
Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp đoàn đại biểu Vùng Wallonie Bruxelles, Vương quốc Bỉ do ông Rudy Demotte, Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Wallonie Bruxelles dẫn đầu. Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Vùng Wallonie Bruxelles, sự hợp tác đã phát triển từ những năm 1990 tập trung cho dự án phát triển Y học gia đình. Bộ trưởng nhận định, Bỉ là nước có nền y tế phát triển, mô hình bác sĩ gia đình rất hiệu quả, giảm chi phí khám chữa bệnh. Dự án bác sĩ gia đình chuyển giao kinh nghiệm cho Việt Nam rất tốt, phù hợp với đường lối chính sách của Việt Nam. Sắp tới, hai bên sẽ thống nhất biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Bộ Y tế và Vùng Wallonie Bruxelles trên nhiều lĩnh vực: BHYT, bác sĩ gia đình, hợp tác dược, chẩn đoán điều trị ung thư.
 

Bộ Y tế phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình 2013-2020 với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tải bệnh viện. Giai đoạn từ năm 2013-2015: Thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Giai đoạn năm 2016-2020 sẽ nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

 
Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã có gần 100 quốc gia thành viên. Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình đã được phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia, đặc biệt Cuba là quốc gia được coi là một hình mẫu về phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở các nước đang phát triển.

Theo TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng bộ môn YHGĐ Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, người dân và nhân viên y tế cần hiểu đúng vai trò của bác sĩ gia đình. Hiện tại có nhiều dịch vụ mang tên bác sĩ gia đình tại Việt Nam, tuy nhiên, hoạt động chưa đúng theo nguyên lý y học gia đình. Nhiều người cứ nghĩ rằng bác sĩ đến nhà là BSGĐ. Thật ra, nếu bác sĩ đến nhà mà trước đó bác sĩ không biết bệnh nhân, bệnh lý của bệnh nhân… thì việc tiếp xúc tại nhà để khám và cho quyết định điều trị sẽ rất hạn chế. Ngược lại, nếu BSGĐ là người hiểu rõ bệnh nhân của mình, nắm được bệnh sử, quá trình bệnh tật… và vì lý do nào đó bệnh nhân không đến được phòng khám BSGĐ thì BSGĐ đến thăm, khám bệnh nhân tại nhà sẽ hiệu quả. Để hoạt động này hiệu quả hơn cần có quy định cụ thể, định mức giá, quản lý hoạt động và chất lượng dịch vụ…


Ý kiến của bạn