Thượng nghị sĩ John McCain.
Cựu Tổng thống Obama, người giành chiến thắng trước ông McCain trong cuộc bầu cử năm 2008, nói rằng dù họ có những bất đồng ý kiến, nhưng ông McCain và ông đã cùng chia sẻ sự tin tưởng vào những điều cao cả hơn - đó là những lý tưởng mà nhiều thế hệ người dân Mỹ cũng như thành phần di dân đã từng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ. Cựu Tổng thống George W. Bush, người đánh bại ông McCain trong nỗ lực để được đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống năm 2008, gọi ông McCain là “người có lòng tin tưởng sâu xa và người yêu nước mạnh mẽ nhất” và cũng là “một người bạn mà tôi sẽ luôn nhớ tới”. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân chủ, New York), lãnh tụ phía thiểu số Dân chủ tại Thượng viện cho hay, ông muốn đổi tên tòa nhà Thượng viện từng có văn phòng của ông McCain bằng tên của vị thượng nghị sĩ quá cố. “Trong đời, bạn chỉ có cơ hội gặp một số ít người thật sự vĩ đại. Ông John McCain là một trong những người này” - ông Schumer nói.
Cuộc đời ông McCain kéo dài một vòng cung trải qua những gì Henry Luce - Chủ bút của tạp chí Time (Mỹ) từng dự đoán sẽ là kỷ nguyên của nước Mỹ - thời điểm mà sức mạnh chính trị, quân sự và văn hóa Mỹ trở nên mạnh mẽ trên toàn cầu. McCain trở thành ngôi sao sáng trên chính trường Mỹ, từng hai lần được đề cử làm ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2000, chạy đua với ứng viên cùng đảng Cộng hòa George Bush và vào năm 2008, khi ông đối đầu và phải nhường bước trước ứng viên Dân chủ Barack Obama. Tuy nhiên, một trong những giai đoạn hay được nhắc đến trong sự nghiệp chính trị McCain - vốn được coi là quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất, thậm chí còn là tác động chuyển biến mạnh mẽ tới sự nghiệp chính trị của ông - chính là thời gian McCain bị bắt giam tại Việt Nam.
McCain được quân dân Việt Nam cứu sống sau khi nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch vào ngày 26/10/1967. Ảnh: AFP
Nhiều người không thể quên được hình ảnh ấn tượng vào ngày 26/10/1967, khi một máy bay Mỹ bị bắn và rơi xuống nhà máy điện gần đó. Một người phi công Mỹ nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bộ đội, dân quân Việt Nam bắt sống. Viên phi công đó chính là Đại úy hải quân Mỹ John McCain, người sau đó bị giữ làm tù binh hơn 5 năm ở nhà tù Hỏa Lò.
Ngày 14/3/1973, McCain, 36 tuổi, mặc bộ quần áo dân sự bình thường, tươi cười bước đi cùng với các tù nhân chiến tranh Mỹ tới một chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ. Họ được trả tự do.
Sau khi được trao trả về Mỹ, McCain bắt đầu sự nghiệp chính trị, trở thành một nghị sĩ, thượng nghị sĩ, ứng viên tổng thống và là người nỗ lực hết mình cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Đến năm 1977, sự ủng hộ nhiệt thành cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Mỹ của McCain vang xa. Đến năm 1985, McCain trở lại Hà Nội và 10 năm sau đó, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Kể từ đó, McCain thường xuyên tới thăm Việt Nam, trong đó lần gần đây nhất là chuyến đi lên tàu USS John S. McCain ghé thăm cảng Cam Ranh hồi tháng 6/2017.
John McCain được trả tự do vào ngày 14/3/1973. Ảnh: AP
Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, người luôn đồng hành cùng ông McCain trong công cuộc vận động Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam chính là cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Dưới sự tác động và hối thúc của ông John, Mỹ và Việt Nam đã từng bước vượt qua “nỗi đau chiến tranh”, thực hiện được các hoạt động nhân đạo như rà phá bom mìn, chất nổ hậu chiến tranh, tìm người mất tích, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh... Không thể phủ nhận rằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông McCain và ông Kerry đã góp phần cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ vào năm 1994 cũng như tiến tới mối quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013, một sự kiện lịch sử vô cùng đáng nhớ không chỉ đối với Mỹ, Việt Nam mà cho cả nền hòa bình thế giới.
Trong suốt cuộc đời của mình, ông McCain luôn khẳng định rằng Việt Nam sẽ là một đối tác an ninh mạnh mẽ của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy các nỗ lực vì hòa bình, an ninh, tuân thủ pháp luật quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông.