Đây là nhận định của bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trong bài viết "Con đường tiến tới bình đẳng giới trong chính trị ở Việt Nam” nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Trưởng Đại diện UNDP nhấn mạnh, bình đẳng giới, đặc biệt là sự tham chính và vai trò lãnh đạo của phụ nữ đã trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến thế giới hiện nay, trong đó có biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, các thách thức nhân đạo và phát triển khác đang đe dọa đảo ngược các thành tựu phát triển và gây ra tác động không cân xứng đối với phụ nữ.
Theo bà Ramla Khalidi, hậu quả của những cuộc khủng hoảng mới này đã thực sự cho thấy tầm quan trọng của việc phụ nữ tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng các chính sách công đáp ứng nhu cầu và quyền của mọi phụ nữ và trẻ em gái. Việc trao quyền và sự tham gia của phụ nữ trong chính trị là để xây dựng các thể chế đại diện, công bằng và hiệu quả - một phần quan trọng trong quá trình phục hồi toàn diện sau các nguy cơ an ninh mới và đối phó với các thách thức về phát triển mới phát sinh.
Trưởng Đại diện UNDP Ramla Khalidi đánh giá cao Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để phụ nữ tham gia chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội, như Điều 26 Hiến pháp quy định rõ ràng nam và nữ có quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực. Quy định này đã được củng cố trong Điều 11 của Luật Bình đẳng giới (2006).
“Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng khen ngợi so với các nước trong khu vực”, Trưởng Đại diện UNDP nhấn mạnh, và cho biết, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Khoảng cách giới năm 2022, Việt Nam đạt 0,705 trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia (Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 87 vào năm 2021 lên 83 vào năm 2022).
Dẫn Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2018 của Đảng đặt ra mục tiêu về tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%; Chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, 60% cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương có phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt và đến năm 2030 mục tiêu này phải là 75%, bà Ramla Khalidi cho rằng, đây là những mục tiêu tham vọng của Việt Nam về trao quyền cho phụ nữ và vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Điểm lại tiến độ hướng tới các mục tiêu này, Trưởng Đại diện UNDP bày tỏ ấn tượng với việc trong cuộc bầu cử năm 2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tăng lên 30,26%, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua ngưỡng quan trọng được xác định là cần thiết để phụ nữ có tác động rõ ràng đến quá trình ra quyết định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Ramla Khalidi cho rằng, tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của UNDP về bình đẳng giới trong hành chính nhà nước tại Việt Nam, trong 10 năm qua (2012 - 2022), tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo trong Chính phủ vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ có 2 nữ bộ trưởng trong tổng số 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Báo cáo Rà soát tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện cho thấy, trong 10 năm gần đây, cả ba mục tiêu về nữ lãnh đạo chính trị đều chưa đạt được.
Từ những kết quả và tồn tại trên, bà khẳng định, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết và mục tiêu về bình đẳng giới trong khu vực công.
“Sự hỗ trợ của chúng tôi trong thời gian tới sẽ được định hướng bởi Chiến lược Bình đẳng giới của UNDP giai đoạn 2022-2026, bao gồm các trọng tâm chính sau: Tăng cường huy động sức mạnh, tiếng nói và ảnh hưởng tập thể của phụ nữ, thúc đẩy các chính sách và dịch vụ công đáp ứng giới, tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong hòa bình và phục hồi, thay đổi các chuẩn mực xã hội tiêu cực, tạo điều kiện thu thập dữ liệu và phân tích tốt hơn phục vụ cho công tác hoạch định chính sách”, Trưởng Đại diện UNDP Ramla Khalidi chia sẻ.
Để hiện thực hóa cam kết của mình, vị Trưởng Đại diện này cho biết, năm 2022, đánh dấu 45 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, UNDP tại Việt Nam đã triển khai các hỗ trợ và bồi dưỡng các cán bộ nữ trẻ vào các vị trí lãnh đạo, như chương trình hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập 3 mạng lưới nữ lãnh đạo tại Nghệ An, Thái Bình và Kon Tum; hợp tác với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tập huấn đặc biệt với chủ đề “Phụ nữ trẻ chuẩn bị sẵn sàng tham gia lãnh đạo” thông qua chương trình kèm cặp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho 30 nữ lãnh đạo trẻ triển vọng.
Lưu ý thời hạn hiện thực hóa các mục tiêu của Việt Nam vào năm 2025 và năm 2030 không còn nhiều, Trưởng Đại diện UNDP kêu gọi Việt Nam và Liên hợp quốc cần cùng nhau hành động ngay từ bây giờ, với quyết tâm tập thể và tầm nhìn chung để có thể đạt được bình đẳng giới trong chính trị.
Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Trưởng Đại diện UNDP mong muốn phụ nữ Việt Nam từ mọi tầng lớp trong xã hội hãy phá vỡ các khuôn mẫu định kiến giới, vượt lên các thành kiến xã hội; tin tưởng vào khả năng và tiềm lực của mình cho sự phát triển của Việt Nam. “UNDP tại Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các bạn, các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và đối tác phát triển để thúc đẩy các nỗ lực của quốc gia nhằm đặt được sự tham gia bình đẳng và có ý nghĩa thiết thực của phụ nữ trong chính trị tại Việt Nam”, Trưởng Đại diện UNDP Ramla Khalidi viết.