Việt Nam đang mang gánh nặng "kép" bệnh tật do chế độ dinh dưỡng không hợp lý

16-05-2017 18:45 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, số người bị suy dinh dưỡng thấp còi vẫn chiếm 7 triệu người trong khi đó, số người thừa cân béo phì cũng ngày càng gia tăng không ngừng. Các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư…. đang có xu hướng gia tăng hơn so với các bệnh lây nhiễm. Nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng này là do sự mất cân đối trong chế độ ăn uống, dinh dưỡng.

Video PGS. TS Lê Danh Tuyên - Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nói về gánh nặng "kép" bệnh tật của Việt Nam đang gánh chịu

PGS. TS Lê Danh Tuyên - Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo: “Bằng chứng khoa học của sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng hợp tác giữa Nhật Bản và Viện Dinh dưỡng quốc gia" do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức hôm nay, ngày 16/5.

42% bệnh nhân bị ung thư liên quan đến chế độ dinh dưỡng

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết,  hiện nay, bên cạnh nỗi lo về tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng, Việt Nam còn phải đối phó với gánh nặng gia tăng nghiêm trọng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư...

Vấn đề lo ngại hơn cả là trong 10 năm trở lại đây, số người mắc mới ung thư ở nước ta được phát hiện tăng 50%. Trung bình mỗi ngày có khoảng 350 trường hợp mắc mới ung thư được phát hiện và 190 người tử vong do căn bệnh này. Ung thư là một trong các nguyên nhân gây tử vong chính trên phạm vi toàn cầu, trong đó khoảng 42% liên quan đến chế độ dinh dưỡng.

Bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh hơn so với bệnh lây nhiễm

Theo PGS. TS Lê Danh Tuyên, Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện tại trên thế giới có khoảng 165 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi  thì Việt Nam có khoảng 7 triệu trẻ em trong số đó. Việt Nam nằm trong số 20 nước đóng góp số trẻ suy dinh dưỡng thấp còi nhiều trên Thế giới. Ở Việt Nam tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên bị các bệnh lý lưng còng rất lớn bởi chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

PGS. TS Lê Danh Tuyên cho biết, có tới 80% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm. Suy dinh dưỡng thấp còi cũng có nguyên nhân do số các bà mẹ  bị suy dinh dưỡng, thấp còi còn tồn tại nhiều dẫn tới khi mang thai, trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu chất từ bào thai. Đó được cho là hiện tượng suy dinh dưỡng theo vòng xoáy lan truyền.

"Tại bệnh viện, tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% (năm 1976) xuống còn 19,8% (năm 2010) nhưng tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42,6% lên 71,6%. Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch (33%) và thứ 2 là do ung thư (18%)".

Song song với tình trạng suy dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì cũng tăng lên nhanh chóng tại các đô thị. Thậm chí ở các vùng nông thôn mới thoát nghèo, trẻ em béo phì tăng lên bởi chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Từ năm 2000 đến năm 2005, tỷ lệ người thừa cân và béo phì đã tăng gấp 2 lần ở người trưởng thành (từ 3,5% lên 6,6%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì tăng gấp 9 lần sau 10 năm (2000 - 2010) và đến năm 2013, tỷ lệ này đã ở mức 6,3%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì nhưng chế độ ăn uống và lối sống là quan trọng hơn cả.

Hội thảo: “Bằng chứng khoa học của sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng hợp tác giữa Nhật Bản và Viện Dinh dưỡng quốc gia" do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức hôm nay, ngày 16/5.

Bên cạnh đó, ước tính, Việt Nam đã có tới 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Tăng huyết áp thường đi kèm các rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa và là yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch não, bệnh mạch vành...

Theo PGS. TS Lê Danh Tuyên, một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp bởi thói quen ăn mặn của người Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi ngày, một người chỉ nên tiêu thụ 5 gam muối. Tuy nhiên, trong 1 bát phở - món mà người Việt Nam rất ưa chuộng, nước phở thường đậm và ước tính đã có tới khoảng 3 gam muối trong đó.

Cũng theo PGS. TS Lê Danh Tuyên, sau 10 năm (từ năm 2002 đến 2012) tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng gấp 2 lần (từ 2,7% lên 5,4%) ở người trưởng thành. Một thực trạng đáng quan tâm là có tới 63,6% người bệnh mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện trong khi gánh nặng tử vong và tàn phế do đái tháo đường là rất lớn. Đáng nói, bệnh đái tháo đường không chỉ gia tăng nhanh chóng mà còn có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gây ảnh hưởng đến sức lao động và chất lượng cuộc sống của người dân.

Gải pháp từ dinh dưỡng

Theo PGS. TS Lê Danh Tuyên, Viện Dinh dưỡng đã tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu và hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho cộng đồng, nhất là sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng đặc hiệu trong điều trị, dự phòng các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng.

Một trong những sự hợp tác đó phải kể đến việc phối hợp cùng Nhật Bản phát triển nghiên cứu, tạo một chu trình từ ươm trồng cây giống, đến thu hoạch và chế biến nguyên liệu thành các loại thực phẩm dinh dưỡng dùng cho các đối tượng có nguy cơ dự phòng các bệnh liên quan đến dinh dưỡng từ gạo, các loại thảo dược…

Viện Dinh dưỡng đã nghiên cứu và sản xuất thành công gạo lật  nảy mầm (gạo lức qua quá trình nảy mầm theo công nghệ của Nhật Bản) hỗ trợ kiểm soát đường máu và mỡ máu hiệu quả ở bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường...

Các chuyên gia Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo


Thanh Loan
Ý kiến của bạn
Tags: