Hà Nội

Việt Nam đang là mục tiêu trong chính sách xoay trục của Mỹ

01-06-2014 07:30 | Quốc tế
google news

Việt Nam đang là mục tiêu trong chính sách xoay trục của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đã lan nhanh qua các nước Nhật, Philippines và Úc.

Đây là phân tích đăng ngày 29.5 của Shannon Tiezzi, biên tập viên của trang Diplomat trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đã lan nhanh qua các nước Nhật, Philippines và Úc.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 16.12.2013

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 16.12.2013

Với việc Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam ngày 28.5 trên biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục leo thang. Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án các hành động hung hăng đó trên vùng biển của mình.

Mỹ sẵn sàng ủng hộ Việt Nam, ít ra là qua những tuyên bố, dù Việt Nam không là đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines. Khi được hỏi quan điểm của Washington về vụ căng thẳng Việt - Trung hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Spaki nói: “Trung Quốc đã có những hành vi khiêu khích”.

Việt Nam và Mỹ cũng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, một tiến trình đã được tăng tốc khi Việt Nam không thể chấp nhận những hành động của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam.

Sự tăng cường quan hệ Việt - Mỹ không thể hoàn toàn vì cuộc khủng hoảng giàn khoan hiện tại. Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong chính sách “xoay trục trở lại châu Á” ngay từ giai đoạn đầu của chính phủ Tổng thống Barack Obama.

Trong khi Mỹ và Việt Nam đề cao sự phát triển mối quan hệ kinh tế và giữa nhân dân hai nước, vấn đề biển Đông luôn là nền tảng. Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Hillary Clinton ở vai trò ngoại trưởng Mỹ hồi năm 2010, bà đã nêu việc Mỹ muốn được chứng kiến giải quyết chuyện tranh chấp biển đảo.

Từ đó, các chuyến thăm qua lại của quan chức Việt - Mỹ được tiến hành thường xuyên, đỉnh điểm là Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Washington hồi tháng 7.2013. Ở cuộc gặp thượng đỉnh này, ông Obama và ông Sang tuyên bố thành lập một “quan hệ hiểu biết” giữa Mỹ với Việt Nam.

Trong thỏa thuận này, hai quốc gia hứa tăng cường hợp tác ở các diễn đàn khu vực, tái khẳng định sự ủng hộ một giải pháp thương lượng hòa bình cho cuộc tranh chấp biển đảo. Những quan điểm tương tự về việc cần một nền hòa bình và an ninh ở biển Đông luôn có trong các tuyên bố ở những cuộc gặp thượng đỉnh Việt - Mỹ.

Mối quan hệ hợp tác này không giới hạn ở vấn đề biển Đông, nhưng các tranh chấp này có thể là nguyên nhân lớn nhất trong việc Việt Nam muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ. Các quyết định tham gia những phát kiến đa phương, từ hiệp định về kiểm định hàng hóa trước khi xếp hàng (PSI) đến hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều gắn kết với sự kỳ vọng của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với Mỹ, như để ngăn cách với Trung Quốc.

Việt Nam còn muốn quan hệ tốt với Mỹ, khi đối tác truyền thống của họ là Nga đã giữ thái độ im lặng trước vụ giàn khoan hiện tại.

Nga sẵn sàng đề nghị tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam, thậm chí cung cấp tàu ngầm lớp Kilo, nhưng xem ra không công khai ủng hộ Việt Nam trong sự kiện trên biển Đông này.

Vì thế, Việt Nam tìm những địa chỉ khác để có sự ủng hộ của quốc tế và Mỹ có lẽ là đối tác tiềm năng có nhiều ảnh hưởng nhất.

Trong khi đó, tăng cường quan hệ với Việt Nam là một trong những cách hứa hẹn nhất để mở rộng chính sách “tái xoay trục về châu Á” với những quốc gia khác nằm ngoài nhóm đồng minh truyền thống của Mỹ.

Theo Một Thế giới

 

 
Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

 


Ý kiến của bạn