Việt Nam đang đứng đầu thế giới về giảm tỷ lệ mắc lao mới

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

22-03-2018 07:26 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Việt Nam là một trong những nước có gánh nặng bệnh lao cao đồng thời cũng là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao với những chiến lược mới và phù hợp. Nhân ngày thế giới phòng chống lao 24/3, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa PGS. Nguyễn Viết Nhung,xin ông có thể cập nhật về tình trạng bệnh lao cũng như công tác phòng chống lao tại Việt Nam không?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Toàn cầu mỗi năm có khoảng 11 triệu người mắc lao, trong đó số người tử vong vì bệnh lao lên tới 1,7 triệu người. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, năm 2016 có khoảng 126.000 người mắc lao, số ca tử vong lên tới 13.000 người, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông, nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý. So với năm 2000, Việt Nam đã giảm 50% số hiện mắc và mắc mới cũng như số tử vong vì bệnh lao. Hiện số người mắc bệnh Lao đang giảm hàng năm khoảng 5 - 6%, số tử vong vì bệnh lao giảm nhanh hơn số mắc do chúng ta tăng được tỷ lệ phát hiện. Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước đã giảm được 3.000 người chết vì lao, đó là một thành tựu rất đáng mừng. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn.

Có được như vậy có thể nói đó là do chúng ta áp dụng tối ưu các tiến bộkhoa học công nghệ vào Việt Nam. Hiện nay chúng ta đã có những công cụ chẩn đoán với độ nhạy cao, chỉ trong vòng 2 tiếng, chúng ta có thể biết được một mẫu đờm có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng thuốc hay không, trước đây nếu nuôi cấy là làm kháng sinh đồ thì phải mất 3-4 tháng. Trước khi cho thuốc điều trị, người bệnh được xác định tình trạng kháng thuốc. Nếu kháng thuốc chúng ta đã có phác đồ điều trị đa kháng mới hiệu quả với thời gian 9 đến 10 tháng. Gần đây, chúng ta đã áp dụng thuốc chống lao mới là Bedaquiline để áp dụng phác đồ diều trị siêu kháng thuốc cho từng người bệnh cũng đạt hiệu qủa rất cao.

PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Phóng viên: Theo ông đã có nhiều tiến bộ về khoa học công nghệ như thế vậy tại sao vẫn còn nhiều người mắc và chết do lao như vậy?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung:Đúng là vẫn còn nhiều người mắc và chết do lao, mặc dù đã giảm khá nhiều đến 50% so với năm 2000.Vấn đề ở chỗ là chúng ta đã có đầy đủ công cụ chẩn đoán và thuốc điều trị nhưng cần tất cả người dân và cộng đồng hưởng ững để tiếp cận với các kỹ thuật và dịch vụ này. Hiện nay, nhiều người dân còn chưa có ý thức đầy đủ về căn bệnh này, nhiều người cho rằng đó là căn bệnh ở đâu đó rất xa, của những người khác, không liên quan gì đến mình. Nhưng thực tế thì ai cũng có thể mắc lao. Mặt khác, kỳ thị và mặc cảm về bệnh cònnặng nề dẫn đến tình trạng giấu bệnh, không đi khám sớm, hoặc còn nhiều rào cản kể cả rào cản về kinh tế nên phát hiện muộn, kéo dài thời gian lây lan ra cộng đồng. Hiện nay, cả nước phát hiện được khoảng 100.000 người mắc lao, vì vậy còn gần 30.000 người mắc lao còn chưa được phát hiện, vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Những người không được phát hiện bệnh có tỷ lệ tử vong cao lên tới 40% và vẫn tiếp tục là nguồn lây nhiễm bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Vấn đề nữa là một số bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc có những rào cản, khó khăn không thực hiện đầy đủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, rồi lại điều trị. Đó là một vòng luẩn quẩn khiến bệnh lao vẫn cứ tồn tại trên 130 năm nay.

Phóng viên: Như vậy bệnh lao vẫn còn khá nan giải ở Việt Nam. Thế nhưng mới đây Nghị quyết Trung ương về chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân có đề ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, với tư cách là người đứng đầu trong công tác phòng chống lao, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

PGS.TS. BS. Nguyễn Viết Nhung: Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII đã chỉ rõ mục tiêu cơ bản chấm bệnh lao vào năm 2030, đây là một mục tiêu rất nhân văn thể hiện quyết tâm của toàn Đảng để tránh đi cái chết không đáng có của hàng chục ngàn người và giảm nỗi lo âu của hàng trăm ngàn gia đình mỗi năm. Đây cũng là một mục tiêu rất tham vọng nhưng quyết tâm ta có thể đạt được: Tham vọng vì chỉ tiêu rất cao, vẫn có thể đạt được bởi vì nó dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Cơ sở khoa học là những tiến bộ của khoa học công nghệ mang tính đột phá, hiện nay đã có những kỹ thuật như geneXpert có thể phát hiện vi khuẩn lao và tính kháng thuốc của nó trong 2 giờ với độ nhậy và tính chính xác cao, trước đây ta phải mất 3 đến 4 tháng. Các thuốc mới, phác đồ mới và vắc xin mới hiệu quả hơn.

Cơ sở thực tiễn: Chúng ta đã có một mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi được xây dựng bởi BS Phạm Ngọc Thạch Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và các thế hệ kế tiếp trên toàn quốc, triển khai thực hiện với phác đồ chuẩn ở tất cả các tuyến, áp dụng tất cả những tiến bộ khoa học của thế giới và đang làm giảm dịch tễ bệnh lao khoảng 6% một năm. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nếu áp dụng tối ưu các kỹ thuật trên toàn bộ dân số, chúng ta có thể giảm đến 50% bệnh lao trong vòng 4 năm.

Có thể nói rằng, Hiện nay chúng ta đã hội tụ gần đủ các yếu tố trong nước và quốc tế, với quyết tâm cuả Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng của toàn thể nhân dân, mục tiêu đó chắc chắn sẽ đạt được.

Phóng viên: Ông nói là hội tụ gần đủ, vậy theo ông còn thiếu điều kiện gì cần thiết nữa, thưa ông?

PGS.TS. BS. Nguyễn Viết Nhung:Vâng, vẫn còn cần thêm những điều kiện đó là tính bền vững và sự hưởng ứng của cộng đồng.Lo ngại nhất của tôi hiện nay là với 16 tỉnh chưa có bệnh viện phổi tuyến tỉnh, sát nhập trung tâm vào CDC trở thành 1 tổ trong 1 khoa của trung tâm, nhân lực chỉ còn 2 - 3 người thì làm sao gánh vác được trách nhiệm chấm dứt bệnh lao của các tỉnh đó, đó là một sự suy yếu mất bền vững không thể tưởng tượng được. Đối với các tỉnh có bệnh viện chuyên khoa nhưng xu hướng giao tự chủ hiện nay mà quên mất phần nguồn lực cho thực hiện chương trình tại cộng đồng thì cũng chưa đảm bảo.

Vì vậy, rất cần nhận thức và sự vào cuộc cụ thể, đồng bộ hơn nữa của lãnh đạo các cấp với những cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Mặt khác, Cộng đồng vẫn còn nhiều người coi bệnh lao không liên quan đến mình, còn kỳ thị hoặc mặc cảm dẫn đến thiếu hiểu biết về bệnh và không tiếp cận được với dịch vụ khám phát hiện, điều trị bệnh lao, không chung tay được với hành trình chấm dứt bệnh lao. Người mắc lao chủ yếu là người nghèo, có nhiều bệnh nhân lao còn chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ còn khó khăn hơn. Nghiên cứu mới đây của chúng tôi 64% người mắc bệnh lao còn nhậy cảm với thuốc phải đối diện với chi phí thảm hoạ, nghĩa là mất đi trên 20% tổng thu nhập gia đình trong 1 năm. Con số đó là 98% đối với người mắc lao đa kháng thuốc vì ngoài thuốc được cấp miễn phí thì còn nhiều chi phí y tế và mất đi thu nhập trong thời gian chữa bệnh. Họ cần trợ giúp để vượt qua giai đoạn khó khăn yên tâm điều trị để khỏi bệnh và hoàn thành nghĩa vụ với cộng đồng.

Trước những khó khăn đó, chúng tôi đề nghị và được Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao để huy động cộng đồng các nhà hảo tâm hỗ trợ người bệnh lao trên toàn quốc trong thời gian tới.

Vì vậy, tôi vẫn có niềm tin, dù khó khăn nhưng quyết tâm vì lợi ích con người chúng ta sẽ chiến thắng.

Phóng viên: Nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, ông có lời nhắn gì tới những bác sĩ đang công tác trên mặt trận phòng chống lao và cả người dân để chúng ta đạt mục tiêu thanh toán bệnh này?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung:Năm nay chúng tôi muốn kêu gọi “Lãnh đạo các cấp hãy cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao” và muốn nhắn gửi đến cộng đồng là "Mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam", chúng ta hãy cùng nhau làm nên lịch sử chấm dứt bệnh lao.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.


Hải Yến
Ý kiến của bạn