Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 25 tỷ đồng và nghịch cảnh “nước đến chân mới nhảy”

08-09-2016 20:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lý do quan trọng nhất khiến cho sự kiện thể thao tầm cỡ châu Á do Việt Nam đăng cai tại Đà Nẵng từ 24/09 này đang lao đao vì kinh phí là chính, do khả năng quảng bá và tiếp thị tài trợ quá yếu kém.

Lý do quan trọng nhất khiến cho sự kiện thể thao tầm cỡ châu Á do Việt Nam đăng cai tại Đà Nẵng từ 24/09 này đang lao đao vì kinh phí là chính, do khả năng quảng bá và tiếp thị tài trợ quá yếu kém. Ban Tổ chức chỉ kiếm được 25 tỷ đồng, đều là sản phẩm quy đổi. Nó khiến cho mọi mảng chuẩn bị, tổ chức rơi vào tình thế “nước đến chân mới nhảy”.

Asian Indoor Games 2009 chỉ thu... 30 tỷ đồng

Để phục vụ công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội thể thao trong nhà châu Á (Asian Indoor Games) 2009, Nhà nước đã đầu tư trên 100 triệu USD, khoảng 2.100 tỷ đồng, với khoản lớn nhất dành cho dự án xây dựng Cung điền kinh trong nhà tại Mỹ Đình (Hà Nội), chiếm tới hơn 540 tỷ đồng. Rất tương phản với nguồn chi “khủng” ấy, cả mảng tiếp thị - tài trợ khi ấy chỉ thu về được tổng số 30 tỷ đồng, trong đó ít tiền mặt, phần lớn là sản phẩm dịch vụ. Theo lý giải của Ban tổ chức thì để có được kết quả này đã là nỗ lực lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp không mặn mà. Thảm cảnh đó được đổ hết cho các yếu tố khách quan.

Van dong tai tro Dai hoi the thao bai bien chau A

Lễ giới thiệu và vận động tài trợ cho Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016. Ảnh: CTV

Thế nhưng trên thực tế, Ban tổ chức đã quá chậm chạp và thụ động, thực sự chỉ vận động mấy tháng trước Đại hội bằng cách dựa vào một đơn vị tư vấn độc quyền thiếu cả danh vị lẫn năng lực và gần như không có kinh nghiệm gì. Quan trọng không kém, bản thân sự kiện vốn rất xa lạ lại gần như bị đóng khung do mảng truyền thông yếu kém.

Trước thềm Asian Indoor Games chỉ mấy ngày, thậm chí ngay chính những địa điểm tổ chức kể cả Hà Nội và TP.HCM, gần như chưa có gì ngoài những băng-rôn được treo mấy tháng trước trên đường phố, rồi các đoạn giới thiệu ngắn trên truyền hình. Một vài hoạt động đồng hành như chạy, đi bộ, phát động 2 triệu chữ ký, gắn với văn hóa - văn nghệ cũng chưa đủ để tạo điểm nhấn cần thiết. Một sự kiện như thế, bộ phận tiếp thị tài trợ có giỏi cỡ nào cũng bó tay hoàn toàn.

Qua 7 năm vẫn chỉ... 25 tỷ đồng

Đầu tư lớn, trong khi giá trị quảng bá thấp, vận động tài trợ kém, rõ ràng việc đăng cai Asian Indoor Games 2009 đã lãng phí và phải coi như một thất bại. Đó là một bài học mà đáng ra ngành thể thao cần phải tổng kết kỹ lưỡng để chuẩn bị cho việc đăng cai các sự kiện quốc tế như Đại hội thể thao bãi biển châu Á (Asian Beach Games) 2016.

Chỉ có điều qua 7 năm, mọi chuyện không có gì thay đổi. Mảng truyền thông và tiếp thị - tài trợ đáng ra phải đi trước lại rơi vào đúng “vết xe đổ” của Đại hội trước với một cách thức cùng hiệu quả rất khó chấp nhận. Asian Beach Games đang giống như việc riêng của ngành thể thao, nặng về tính chuyên môn đặc thù mà chưa thể trở thành một sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục đa mục tiêu, có sức hút mạnh mẽ. Mọi người vẫn có cảm giác “Đại hội do Việt Nam đăng cai mà như ở đâu”, cho dù chỉ còn vài chục ngày trước khai mạc.

Riêng mảng tiếp thị - tài trợ, đến thời điểm này, Ban tổ chức mới chỉ tìm được 2 đối tác - một doanh nghiệp của Thái Lan và một doanh nghiệp trong nước. Sự xuất hiện của thương hiệu FBT đến từ Thái Lan với gói tài trợ bằng sản phẩm có tổng giá trị quy đổi 964.300 USD đã giúp Ban tổ chức tránh được nguy cơ “tay trắng”. Đích nhắm khiêm tốn 25 tỷ đồng, tính cả tiền mặt và hiện vật, mà ngành thể thao đăng ký với Chính phủ coi như hoàn thành, thậm chí vượt.

Ban tổ chức lại có thể viện dẫn đủ các lý do để chứng minh sự quyết tâm cùng những nỗ lực vận động để có kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, người ta vẫn phải đặt ra câu hỏi vì sao một sự kiện như Asian Beach Games, có nhiều thuận lợi về quảng bá hơn hẳn Asian Indoor Games lại vẫn chỉ có thể kêu gọi tài trợ được 25 tỷ đồng, và đến giờ vẫn chưa có nổi một đồng tiền mặt?

Có lẽ trong tư duy đăng cai, tổ chức một sự kiện thể thao tại Việt Nam, việc quảng bá và  tiếp thị - tài trợ vẫn chỉ đơn giản là “có là tốt rồi”.

Cũng chính vì nguồn kinh phí trông cả vào nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp và trải qua nhiều thủ tục nên công tác tổ chức của Đại hội tiếp tục rơi vào tình thế “nước đến chân mới nhảy”. Ban tổ chức chỉ còn cách áp dụng phương thức chỉ định thầu vì thời điểm Đại hội quá cận kề. Điều này không chỉ trái với quy định Nhà nước mà còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy về chất lượng và mức kinh phí. Ngành thể thao lại đi vào vết xe đổ giống như lần đăng cai SEA Games 2003 hay Asian Indoor Games 2009 khi gần như tất cả các dự án đều phải chỉ định thầu. Thêm một lần, những người có trách nhiệm đưa các sự kiện thể thao về Việt Nam lại đặt Chính phủ vào tình thế sự đã rồi và bất khả kháng vì nó liên quan tới cam kết quốc tế và thể diện quốc gia.

Nhìn vào thực tế chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016, phải thấy quá may mắn khi Chính phủ quyết định xin rút quyền đăng cai ASIAD 2019 vào phút chót.

Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 từ 24/09 đến 03/10 tại Đà Nẵng dự kiến có sự tham gia của 6.500 quan chức, cán bộ, HLV, VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chương trình thi đấu của Đại hội gồm 14 môn thi đấu với 22 phân môn, có tổng số bộ huy chương là 172. Đơn vị đăng cai Đà Nẵng cùng ngành thể thao đã thống nhất chọn 4 địa điểm thi đấu cho Đại hội gồm công viên biển Đông, bãi biển Mỹ Khê, khu dự án Phương Trâm và bãi tắm Sơn Thủy. Trong đó, công viên biển Đông sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc của Đại hội.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn