Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc trên cả nước

19-11-2023 07:05 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thực trạng tiêu thụ dược liệu vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền", TS. Phan Thúy Hiền – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu đã chia sẻ với bạn đọc của Sức khỏe và Đời sống về thực trạng bảo tổn dược liệu quý tại các địa phương hiện nay.

Theo TS. Phan Thúy Hiền, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc trên cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Nội dung hoạt động của toàn hệ thống tập trung vào: Điều tra và thu thập nguồn gen, bảo tồn nguồn gen (bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn trên trang trại), đánh giá các chỉ tiêu sinh học và tư liệu hóa nguồn gen, xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác nguồn gen, đào tạo và truyền thông.

Điều tra cơ bản, thu thập nguồn gen: Hoạt động điều tra cơ bản được nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học, vườn quốc gia…triển khai trên cả nước. Trong đó, một số đơn vị thực hiện thường xuyên như Viện Dược liệu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội…

Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc trên cả nước- Ảnh 1.

TS. Phan Thúy Hiền – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu tại chương trình giao lưu trực tuyến. Ảnh: Tuấn Anh.

Bảo tồn nguồn gen: Song song với hoạt động điều tra là nghiên cứu bảo tồn những cây thuốc hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng, cây thuốc có giá trị, phương thức bảo tồn chủ yếu là bảo tồn tại chỗ (in situ) kết hợp với bảo tồn chuyển vị (ex situ). 

Các loài cây thuốc quý theo kinh nghiệm của các dân tộc được bảo tồn trên trang trại (on farm) thông qua việc hình thành các mô hình vườn cây thuốc, hiện đang được đặc biệt quan tâm phát triển thông qua các dự án liên quan đến bảo tồn tri thức bản địa và phát triển dược liệu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế... 

Viện Dược liệu hiện đang được Bộ Y tế giao quản lý mạng lưới bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây thuốc với 1423 nguồn gen thuộc 904 loài tại các vườn bảo tồn trên địa bàn Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Thanh Trì (Hà Nội), Thanh Hoá, Phú Yên, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Từ năm 2011 đến nay, thông qua chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp Quốc gia, nhiều đề tài nghiên cứu đã và đang được triển khai nhằm đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác và phát triển nguyên liệu làm thuốc cho một số loài cây dược liệu. 

Trong đó, Viện Dược liệu đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên một số đối tượng: Đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, bạch truật, sâm bố chính, cát cánh, độc hoạt, kim ngân, huyền sâm. 

Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc trên cả nước- Ảnh 2.

Cán bộ, kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu quốc gia (Viện Dược liệu) kiểm tra sự sinh trưởng của cây trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Báo Nhân dân.

Sản phẩm đạt được từ các nhiệm vụ này là cơ sở dữ liệu về phân bố và đa dạng nguồn gen cây thuốc, vườn giống gốc, tiêu chuẩn giống, mô hình nhân giống, mô hình trồng và sơ chế dược liệu. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.

Việc khai thác quá mức đã làm cho nhiều loài cây dược liệu bị suy giảm số lượng và đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng. Để khắc phục tình trạng này cần có các giải pháp như sau:

- Duy trì nguồn lực cho công tác bảo tồn, đặc biệt là bảo tồn nguồn gen cây thuốc có giá trị cao, nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.

- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức bảo tồn nguồn gen động, thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng cho cộng đồng người dân sống gần rừng.

- Tập huấn cho người dân về quy trình khai thác dược liệu bền vững.

- Công tác nghiên cứu thuần hóa và phát triển các giống năng suất chất lượng cao cũng là một hướng quan trọng để bảo tồn hạn chế khai thác tự nhiên.

Công nghiệp chế biến dược liệu có vai trò quan trọng để bảo toàn các hoạt chấtCông nghiệp chế biến dược liệu có vai trò quan trọng để bảo toàn các hoạt chất

SKĐS - Các dược liệu cần phải được chế biến, bào chế thành các dạng thuốc cổ truyền (thang thuốc, cao thuốc, viên hoàn... đông y) hoặc dạng bào chế hiện đại (viên nén, viên nang...) để đưa đến người sử dụng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm khớp | SKĐS


Mộc Trà
Ý kiến của bạn