Hà Nội

Việt Nam đã mất đi người bạn vô cùng thân thiết, gần gũi!

09-07-2022 08:42 | Quốc tế
google news

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần là tổn thất rất lớn không chỉ đối với đất nước Nhật Bản mà còn đối với Việt Nam cũng đã mất đi người bạn vô cùng thân thiết, gần gũi, người đã có rất nhiều đóng góp to lớn

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện chia buồn cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trầnThủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện chia buồn cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần

Được tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần ngày 8/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Việt Nam đã mất đi người bạn vô cùng thân thiết, gần gũi! - Ảnh 2.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo có đóng góp quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ khi được tin cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần chiều nay (8/7).

4 lần sang thăm Việt Nam

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo có đóng góp quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Đóng góp quan trọng đầu tiên là ông Abe Shinzo và lãnh đạo Việt Nam xác định khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sâu rộng giữa Việt Nam- Nhật Bản trong thời kỳ ông Abe Shinzo làm Thủ tướng.

Đóng góp thứ hai là ông Abe Shinzo có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam-Nhật Bản. Trong thời kỳ ông Abe Shinzo làm Thủ tướng, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên tới Việt Nam năm 2017.

Bản thân ông Abe Shinzo đã 4 lần thăm Việt Nam với tư cách là Thủ tướng. Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản cũng lần đầu tiên thăm Việt Nam dưới thời ông Abe Shinzo và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản cũng lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam sau 15 năm. Như vậy, tất cả các chính trị gia, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhật Bản đều đã thăm Việt Nam dưới thời ông Abe Shinzo cầm quyền.

Về phía Việt Nam, ông Abe đã chủ trì và đón tất cả lãnh đạo Việt Nam sang thăm Nhật Bản, trong đó có chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2015. Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đến Nhật Bản năm 2018. Và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hầu như năm nào cũng đến thăm Nhật Bản; ngoài ra còn có các đoàn cấp cao, Quốc hội hai bên thăm viếng lẫn nhau.

"Trong những lần đón tiếp lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Nhật Bản, tôi cảm nhận được tình cảm của ông Abe Shinzo đối với con người và đất nước Việt Nam rất lớn. Ông Abe Shinzo luôn khẳng định với lãnh đạo Việt Nam tình cảm yêu mến đất nước Việt Nam, quý trọng con người Việt Nam thủy chung với bạn bè, trước sau như một. Người Việt Nam lao động cần cù, chịu khó. Ông Abe Shinzo cũng cảm phục trước những bước phát triển của đất nước Việt Nam. Trong đó, ông Abe Shinzo đã từng nói: Mỗi lần đi thăm đất nước Việt Nam lại đổi mới và phát triển hơn nữa", ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Đối với những đề nghị từ phía Việt Nam để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, tăng cường ODA, tăng cường liên kết giữa nền kinh tế hai nước, hỗ trợ Việt Nam trong chính sách công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, ông Abe Shinzo đều có ủng hộ và hưởng ứng tích cực.

Sau những chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, ông Abe Shinzo đều có những chỉ đạo trong nội bộ Chính phủ Nhật Bản để triển khai những thỏa thuận và cam kết giữa lãnh đạo hai nước. Có thể nói, qua trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước đãgóp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết, tin cậy cao giữa lãnh đạo hai nước.

Mặt khác, nguyên Đại sứ Nguyễn Cường cho biết, ông Abe Shinzo khuyến khích, thúc đẩy các địa phương, các doanh nghiệp ở địa phương Nhật Bản tăng cường trao đổi trao đổi hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, ông Abe Shinzo luôn ủng hộ mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện qua những con số rất cụ thể.

"Khi tôi sang Nhật Bản năm 2015, lúc đó có khoảng hơn 50.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, cuối năm 2018 tăng lên khoảng 300.000 người, hiện nay là khoảng 400.000 người. Tôi nghĩ rằng hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước vừa là điểm sáng vừa trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm tới", nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, bản thân cựu Thủ tướng Abe Shinzo và lãnh đạo Nhật Bản đều đánh giá cao những đóng góp của học sinh, sinh viên, các thực tập sinh Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản nói chung và các địa phương Nhật Bản nói riêng.

Ông Abe Shinzo luôn dành tình cảm ưu ái đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nguyễn Quốc Cường cho biết, điều ấn tượng nhất đối với ông chính là sự trao đổi rất thân tình giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam-Nhật Bản với nhau. Từ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều thiết lập mối quan hệ rất gần gũi với cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Phía Nhật Bản rất ngạc nhiên khi ngay trong chuyến thăm đầu tiên Thủ tướng hai nước đã trò truyện thân mật như những người bạn từ rất lâu năm.

"Họ cũng nói với tôi rằng chưa một chính khách nước ngoài nào mà ông Abe Shinzo lại dành những tình cảm ưu ái, đặc biệt gần gũi thân mật đến như vậy", nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Cá nhân nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã có nhiều dịp gặp gỡ cựu Thủ tướng Abe Shinzo, nhất là trong những chuyến thăm, trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước. Ấn tượng của nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường về cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo là phong cách làm việc hiệu quả, cụ thể.

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường bày tỏ sự biết ơn các bộ, ngành của Nhật Bản, Văn phòng Thủ tướng và đặc biệt là cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã hỗ trợ để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đại sứ của mình.

Nguyên đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhớ lại, có những lần lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Nhật Bản, trong quá trình chuẩn bị ông Abe đã trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo và có những điều vượt ra ngoài khuôn khổ thông lệ bình thường. Ví dụ về điểm đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm với tư cách là quốc khách của Chính phủ Nhật Bản, đó cũng là sự đón tiếp thân tình, trọng thị và đặc biệt. Ngoài ra, Thủ tướng Việt Nam sang thăm Nhật Bản nhiều lần, hầu như năm cũng sang Nhật Bản, đối tác rất quan trọng của Việt Nam, nhất là về kinh tế. Ông Abe Shinzo luôn dành tình cảm ưu ái đối với lãnh đạo Việt Nam.

Năm 2016, khi tôi làm Đại sứ Nhật Bản, ông Abe đã mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Mặc dù rất bận rộn cùng với các lãnh đạo các nước G7 nhưng ông Abe đã dành cho đoàn Chính phủ Việt Nam một cử chỉ đặc biệt là mời Thủ tướng Việt Nam về Tokyo tổ chức đón tiếp hội đàm, chiêu đãi như một chuyến thăm chính thức với nhiều thỏa thuận quan trọng.

Ngay sau năm đó (vào năm 2017) Thủ tướng Nhật Bản cũng mời Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản. Mặc dù các ban ngành Nhật Bản cho rằng chưa có tiền lệ nhưng ông Abe đã đáp ứng yêu cầu phía Việt Nam là cùng Thủ tướng Việt Nam dự Diễn đàn Doanh nghiệp lớn nhất và lần đầu tiên với 1.600 người tham dự, dưới sự chứng kiến của 2 vị Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản. Doanh nghiệp hai nước đã có những thỏa thuận, cam kết về kinh tế có giá trị hơn 20 tỷ USD. Đó là cử chỉ rất đặc biệt với Việt Nam.

Một chi tiết nhỏ cũng thể hiện tình cảm của ông Abe đối với Việt Nam đó là sự kiện cháu bé Nhật Linh bị sát hại tại Nhật Bản, khi gặp nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường trong cuộc chiêu đãi, ông Abe đã chủ động đến gặp và bày tỏ Chính phủ Nhật Bản đau buồn và bày tỏ xin lỗi nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.

Chính vì vậy khi được tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường bày tỏ sự đau buồn bởi những tình cảm và đóng góp to lớn ông Abe Shizo đối với quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản trong suốt thời gian qua và là tổn thất rất lớn không chỉ đối với đất nước Nhật Bản mà còn đối với Việt Nam.

Diệp Anh (thực hiện)

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi


theo chinhphu.vn
Ý kiến của bạn