Các nhà khoa học xác định hiện nay có 8 loài giun chỉ gây bệnh cho người, trong đó 3 loài ký sinh ở hệ bạch huyết, các loài còn lại ký sinh ở những mô tế bào khác. Trung gian truyền bệnh cũng do nhiều loại khác nhau như: Giun chỉ do muỗi truyền thường là giun chỉ ký sinh ở hệ bạch huyết gồm Wuchereria bancrofti, Brugia malaysi, Brugia timori. Giun chỉ do ruồi vàng truyền là Onchocerca volvulus ký sinh ở tổ chức dưới da và mắt. Giun chỉ do ruồi trâu truyền là Loa Loa cũng ký sinh ở tổ chức dưới da và mắt. Giun chỉ do dĩn truyền gồm Ancanthocheilonema perstans, còn gọi là Dipetalonema perstans và Mansonella ozzardi ký sinh ở xoang bụng. Ngoài ra, còn có giun chỉ do loài giáp xác chân chèo cyclops truyền là Dracunculus medinensis ký sinh ở mô liên kết do uống nước lã nhiễm giáp xác chân chèo cyclops.
Bộ Y tế tổ chức lễ công bố loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam đầu tháng 01/2019
Loại giun chỉ bạch huyết ở nước ta
Như trên đã nêu, giun chỉ bạch huyết do muỗi truyền gây bệnh ở người gồm Wuchereria bancrofti, Brugia malaysi, Brugia timori; trong đó ở nước ta thường gặp 2 loài Wuchereria bancrofti và Brugia malaysi.
Giun chỉ Wuchereria bancrofti có 2 chủng phụ là chủng chu kỳ đêm và chủng bán chu kỳ. Chủng chu kỳ đêm có ấu trùng xuất hiện ở máu ngoại vi vào ban đêm khoảng từ 20 giờ đến 2 giờ sáng; ban ngày chúng tập trung ở các mạch máu nhỏ tại phổi, các nhà khoa học chưa có đủ cơ sở khoa học để giải thích về hiện tương này; chủng chu kỳ đêm gây bệnh khá phổ biến và thường do muỗi Culex, Anopheles, Aedes truyền bệnh. Chủng bán chu kỳ có ấu trùng xuất hiện ở máu ngoại vi cả ngày và đêm nhưng đỉnh cao vào ban ngày, chủng này thường do muỗi Anopheles truyền bệnh.
Giun chỉ Brugia malaysi cũng có 2 chủng phụ như giun chỉ Wuchereria bancrofti. Chủng chu kỳ đêm là chủng phổ biến nhất và lây truyền từ người sang người do muỗi Mansonia, Anopheles truyền bệnh. Chủng bán chu kỳ ít phổ biến hơn và vật chủ dự trữ mầm bệnh thường là các loại động vật, chúng có ổ bệnh thiên nhiên và do muỗi Mansonia truyền bệnh.
Dịch tễ bệnh giun chỉ bạch huyết tại nước ta
Các nhà khoa học đã điều tra bệnh giun chỉ bạch huyết ở nước ta trong 15 năm, từ năm 1960 đến năm 1975, tại 127 điểm thuộc 45 huyện của 15 tỉnh phía Bắ. Kết quả, chỉ 12 tỉnh có sự hiện diện của bệnh với tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun chỉ từ cao đến thấp gồm: Hà Nam (13,37%), Quảng Bình (11,70%), Hưng Yên (9,94%), Hà Nội (5,40%), Thái Bình (4,90%), Quảng Ninh (2,50%), Bắc Giang (2,50%), Hòa Bình (2,01%), Thái Nguyên (1,50%), Nghệ An (1,10%), Vĩnh Phúc (0,30%) và Hà Giang (0,13%).
Năm 1976 đến 1983, tiếp tục điều tra lại chủ yếu tại 5 tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng vẫn phát hiện tình hình nhiễm ấu trùng giun chỉ với tỷ lệ từ cao đến thấp gồm: Hà Nam (5,49%), Hòa Bình (2,56%), Hưng Yên (1,69%), Thái Bình (1,12%) và Hà Nội (0,89%).
Ở một số tỉnh phía Nam sau giải phóng thống nhất đất nước năm 1975, tiến hành điều tra bổ sung nhưng chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết. Theo đó, có thể nói bệnh giun chỉ bạch huyết tại nước ta chỉ tập trung ở các tỉnh phía Bắc từ Quảng Bình trở ra và khu trú thành từng điểm nhỏ, từng thôn xã chứ không có tỷ lệ đồng đều như nhiễm các loại giun khác.
Trên cơ sở này, sự phân bố bệnh ở miền Bắc nước ta có thể chia làm 3 vùng: vùng đồng bằng có tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun chỉ cao trên 5%, vùng trung du và ven biển có tỷ lệ nhiễm thấp từ 1 - 5%, vùng núi hiếm gặp hơn với tỷ lệ nhiễm 0 - 1%.
Tuy nhiên từ năm 2000, với dự án quốc gia phòng chống giun sán được hình thành, đã điều tra ở một số vùng ven biển và miền núi đã phát hiện những ổ bệnh giun chỉ bạch huyết khu trú chiếm tỷ lệ rất cao như: Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An 31,77%; Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình 19,37%; thậm chí có cả các tỉnh ở miền Trung như: Khánh Nam, Khanh Vĩnh, Khánh Hòa 13,20%; Khánh Trung, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa 9,29%.
Chủng loại giun chỉ bạch huyết gây bệnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nước ta phổ biến là Brugia malaysi, đây là chủng loại thường gặp ở vùng lúa nước theo sự phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); còn Wuchereria bancrofti chỉ phát hiện tại các điểm điều tra ở Sơn Tây, Hòa Bình thuộc vùng bán sơn địa. Brugia malaysi đều xuất hiện ở chu kỳ đêm với mật độ ấu trùng giun ở máu ngoại vi vào hai đỉnh cao là 22 giờ và 4 giờ sáng, ở nước ta chưa gặp chủng bán chu kỳ. Wuchereria bancrofti cũng chủ yếu là chủng chu kỳ đêm với mật độ ấu trùng xuất hiện ở máu ngoại vi từ 2 đến 4 giờ sáng và cũng không gặp chủng bán chu kỳ. Bệnh thường tăng dần ở nhóm tuổi 16 - 20 và nhiễm cao ở nhóm tuổi 30 - 40, không có sự khác biệt nhiễm bệnh giữa nam và nữ.
Muỗi truyền bệnh giun chỉ bạch huyết tại nước ta được xác định là Mansonia, một loài muỗi hút máu về đêm và thường sinh sống ở các hồ ao có bèo Nhật Bản.Do đó đây là cơ sở để khẳng định bệnh giun chỉ bạch huyết Brugia malaysi chủ yếu lưu hành tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, do muỗi Mansonia truyền bệnh. Ngoài ra, muỗi Culex là loài muỗi hoạt động khá phổ biến ở vùng đồng bằng, trung du, vùng bán sơn địa và cũng hút máu về ban đêm; chúng có khả năng phát triển trong các vũng nước quanh nhà, dụng cụ chứa nước sinh hoạt gia đình và thường truyền bệnh giun chỉ bạch huyết Wuchereria bancrofti.
Các nhà khoa học cũng xác định mật độ ấu trùng giun chỉ trong máu có ảnh hưởng đến sự lan truyền bệnh với mật độ 3 ấu trùng trên 1ml máu là thuận lợi nhất cho muỗi đảm nhận vai trò truyền bệnh, nếu mật độ này thấp hơn hay cao hơn đều làm hạn chế sự lây lan bệnh.
Phù voi là một triệu chứng của bệnh giun chỉ bạch huyết thường gặp
Biểu hiện bệnh khi nhiễm Wuchereria bancrofti
Khá phong phú và có thể khác nhau giữa các vùng bệnh lưu hành. Bệnh gây nên do phản ứng quá mẫn của cơ thể vật chủ trước tác động ảnh hưởng của độc tố hoặc các sản phẩm chuyển hóa của giun chỉ, do tổn thương cơ giới ở hệ bạch huyết và mạch máu, do cản trở tuần hoàn bạch huyết kèm theo nhiễm trùng thứ phát. Bệnh diễn biến qua 2 thời kỳ.
Thời kỳ ủ bệnh: từ 3 - 18 tháng tương ứng với giai đoạn từ khi ấu trùng giun xâm nhập vào cơ thể cho đến khi có thế hệ ấu trùng giun mới xuất hiện trong máu; trong thời kỳ này có thể có những triệu chứng quá mẫn, viêm hạch bạch huyết cục bộ nhẹ và không tồn tại lâu, nếu nghỉ ngơi các triệu chứng sẽ tự hết.
Thời kỳ toàn phát: có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là dị ứng toàn thân, sốt, phát ban, phù cục bộ; bạch cầu ái toan thâm nhiễm vào các cơ quan khác nhau, đặc biệt là ở phổi gây nên hội chứng tăng bạch cầu toan tính thể phổi nhiệt đới TPE (tropical pulmonary eosinophilia).Đây là phản ứng quá nhạy cảm của cơ thể vật chủ với kháng nguyên do ấu trùng giun tiết ra và xảy ra ở cả người lớn, trẻ em, thường gặp ở nam giới nhiều hơn gây cơn ho đột ngột tái phát về đêm, sốt nhẹ, đôi khi nhược cơ, gan và lách sưng to, có bệnh lý hạch bạch huyết, tăng bạch cầu ái toan ở máu ngoại vi, số lượng bạch cầu tăng, chụp phim X-quang thấy có tổn thương tản mạn nhỏ hay những vết đậm của bạch mạch phế quản đặc biệt là ở đáy phổi, chỉ số kháng thể giun chỉ tăng cao, IgE tăng cao; nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tái phát, xơ hóa phổi mạn tính.
Giai đoạn 2 xuất hiện sau 2 - 7 năm bị nhiễm bệnh, triệu chứng lâm sàng chủ yếu là giãn mạch bạch huyết dưới da và ở sâu do ống ngực bị tắc nghẽn, mạch bạch huyết đi ngược dòng vào tuần hoàn máu; mạch bạch huyết ở thận, bể thận, bàng quang bị vỡ gây nên hiện tượng đi tiểu ra bạch huyết và có thể lẫn máu; mạch bạch huyết ở màng bụng cũng bị vỡ gây ra viêm màng bụng, cổ trướng bạch huyết; mạch bạch huyết ở cơ quan sinh dục bị ứ tắc gây ứ bạch huyết tại bìu dái ở nam giới và tại âm hộ ở nữ giới; hệ thống mạch bạch huyết ở da, tổ chức dưới da giãn, sần sùi, hạch bạch huyết sưng to; hình thành các ổ viêm ở dưới da, cơ, bộ phận sinh dục, khớp, xoang ngực, xoang bụng... khi các ổ ápxe bị vỡ gây nên.
Giai đoạn 3 có biểu hiện tắc nghẽn mạch bạch huyết, phù voi ở các bộ phận của cơ thể; thường gặp nhất ở chân, bộ phận sinh dục như bìu dái ở nam giới, âm hộ và vú ở nữ giới; cũng có thể phù ở các bộ phận khác như ở chi trên; đi tiểu có nước tiểu đục gọi là tiểu dưỡng trấp nhưng không phổ biến; mức độ phù voi rất đa dạng từ nhẹ đến nặng, chân có thể to như cột nhà, bìu dái ở nam giới có thể rất to có khi đi đứng bìu dái chạm đất và nặng tới 20 - 30 kg, vú phụ nữ có thể to dài quá đầu gối hoặc hơn nữa...; ở cơ quan bị phù voi lâu ngày có các tổ chức liên kết tăng sinh, trở thành cứng và dày, tuần hoàn đến nơi đó thiếu hụt gây viêm loét, thiếu dinh dưỡng; thông thường khi đã có phù voi, xét nghiệm máu ngoại vi tìm ấu trùng giun rất hiếm khi phát hiện; thực tế chẩn đoán phân biệt triệu chứng phù voi do giun chỉ bạch huyết với phù voi do viêm tắc mạch bạch huyết vì các nguyên nhân khác rất khó.
Chẩn đoán lâm sàng: thường rất khó trong giai đoạn đầu của bệnh; khi có các triệu chứng tiểu dưỡng trấp, phù voi ở những bệnh nhân sống trong vùng lưu hành bệnh giun chỉ bạch huyết, chẩn đoán lâm sàng dễ dàng hơn, đối với những bệnh nhân sống ở ngoài vùng lưu hành bệnh, chẩn đoán lâm sàng gặp khá khó khăn.
Chẩn đoán ký sinh trùng học: thường thực hiện theo phương pháp xét nghiệm máu ngoại vi vào ban đêm, phương pháp Knote, phương pháp Harris, phương pháp Millipore, nghiệm pháp xua ấu trùng giun chỉ ra máu ngoại vi vào ban ngày.
Điều trị bệnh: bằng các loại thuốc gồm DEC (diethyl carbamazin); các dẫn xuất của antimon như anthiomalin, neostiotein, asenamin...; DDS (diamino diphenyl sulfon); levamisole, mebendazole... Thuốc điều trị DEC thường được sử dụng khá phổ biến vì có hiệu lực tốt.
Phòng bệnh: bằng cách phát hiện và điều trị nguồn bệnh; phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh triệt để, có thể điều trị hàng loạt; phòng chống muỗi truyền bệnh đốt máu với nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng màn chống muỗi, dùng hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy muỗi bằng nuôi cá ăn bọ gậy kết hợp cải tạo môi trường, khơi thông cống rãnh và ao hồ, phát quang ao bèo...
Bệnh giun chỉ bạch huyết do nhiễm Brugia malaysi
Khá phổ biến ở nước ta, chiếm tỷ lệ khoảng 77 - 95% các trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh giun chỉ bạch huyết được phát hiện. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng tương tự như trường hợp bệnh bị nhiễm giun chỉ bạch huyết Wuchereria bancrofti nhưng chủ yếu gây viêm tắc mạch bạch huyết ở chi dưới, biểu hiện phù voi còn gọi là chân voi có thể thấy ở cả chi trên, ít thấy phù voi ở bộ phận sinh dục và các nơi khác.
Bệnh giun chỉ bạch huyết tại nước ta được phát hiện cách đây khá lâu, khoảng gần 60 năm. Với sự hình thành của dự án quốc gia phòng chống giun sán; công tác điều tra, giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống tích cực, bền bỉ qua cả một quá trình lâu dài thì bệnh giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam mới được loại trừ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kiểm tra, đánh giá, tuyên bố, cấp giấy chứng nhận từ tháng 10 năm 2018; đồng thời trên cơ sở này Bộ Y tế của nước ta cũng tổ chức lễ công bố loại trừ bệnh vào đầu năm 2019.
Một vấn đề cần quan tâm là việc thanh toán, loại trừ bệnh ra khỏi cộng đồng khá khó khăn, vất vả, mất cả một thời gian dài nhưng để bệnh không quay trở lại cần được ngành y tế dự phòng lưu ý, thực hiện các biện pháp giám sát, xử trí tích cực tiếp tục nhằm loại trừ bệnh một cách bền vững.