Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức mang tính cấu trúc trong xu hướng nhân khẩu học hiện nay. Một trong số đó là xu thế mức sinh xuống thấp.
Theo báo cáo gần đây của UNFPA, tỷ suất sinh của Việt Nam hiện ở mức 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Đây là xu hướng phổ biến trên toàn cầu, không chỉ tại Đông Nam Á mà còn ở nhiều khu vực phát triển và đang phát triển khác. Trên thực tế, hiện nay khoảng 2/3 dân số thế giới đang sống tại các quốc gia có mức sinh dưới mức thay thế.
Những con số này cho thấy rằng chúng ta cần đảm bảo rằng các chính sách dân số của Việt Nam thực sự phục vụ lợi ích của người dân và đáp ứng được thực tế thay đổi về cơ cấu dân số.
Bên cạnh mức sinh thấp, Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019, và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 25% vào năm 2050. Theo dự báo, đến năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn "dân số già", chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".
"Sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu dân số đòi hỏi chúng ta phải xem xét nghiêm túc đến nhu cầu thực tế của người dân ở từng nhóm tuổi. Đối với người cao tuổi, điều này đồng nghĩa với việc cần mở rộng các dịch vụ chăm sóc dài hạn, y tế thân thiện với người già và bảo vệ an sinh xã hội. Trong khi đó, đối với thế hệ dân số trẻ, cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ nhà ở phù hợp, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và tạo việc làm bền vững.
Việc xây dựng chính sách dân số phải đặt con người làm trung tâm và dựa trên bằng chứng – để mỗi giai đoạn của cuộc đời đều nhận được sự quan tâm đúng mức và hỗ trợ phù hợp từ phía nhà nước và toàn xã hội" - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc nói.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ.
Các con số mới nhất trong Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024 cho thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh, trong đó tỷ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh ra) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%.
Tương tự như khai sinh, số trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi mất) chiếm tỷ trọng cao đạt 69,3% vào năm 2024, tuy nhiên tình trạng khai tử muộn vẫn phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, có dân tộc lên tới gần 80%.
Tổng tỷ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm vượt xa mức cân bằng là 104–106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc mà điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang.
Tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ đang có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ. Phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi).

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác dân số và phát triển.
Về tử vong, tuổi chết trung bình của dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2024 là 69,5 tuổi và có sự chênh lệch lớn về giới: tuổi chết trung bình ở nam giới là 64,6 tuổi và nữ giới là 75,6 tuổi. Phần lớn các ca tử vong năm 2024 là do bệnh tật hoặc tuổi già (chiếm 95,2% tổng số ca tử vong được ghi nhận). Đặc biệt, trên 3/4 số ca tử vong do tai nạn giao thông và tự tử là nam giới.
"Khi được thu thập chính xác, dữ liệu giúp chúng ta hiểu được chính sách nào đang phát huy hiệu quả, ai còn đang bị bỏ sót, và chúng ta cần làm gì để xây dựng một hệ thống dữ liệu bao trùm hơn cho tất cả mọi người. UNFPA sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng mỗi người đều được ghi nhận và mọi cuộc sống đều quan trọng" - ông Matt Jackson cho hay.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ quan điểm: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững...