Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên cho rằng “ Đái tháo đường là kẻ giết người thầm lặng, nó là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh tật và tử vong, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, cắt cụt chi và tổn thương thận. Thiếu kiến thức về bệnh đái tháo đường cùng với việc tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu có thể dẫn đến những biến chứng trên…. ”
Các số liệu thống kê cho biết, hiện Việt Nam có gần 5 triệu người đang bị đái tháo đường, trong đó hơn 60% các trường hợp chưa được chẩn đoán. Ngay cả những bệnh nhân đã được chẩn đoán, việc điều trị chưa có hiệu quả, đa số bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị. Cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán thì có 6 trường hợp bị biến chứng do đái tháo đường. Theo kết quả điều tra dịch tễ tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, tốc độ gia tăng các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng nhanh hơn nhiều lần so với thế giới. Trong 10 năm, tỷ lệ người mắc bệnh ở Việt Nam đã tăng lên 200%, trong khi dự báo tỷ lệ đái tháo đường gia tăng của thế giới chỉ ở mức 54% trong vòng 20 năm (từ 2010-2030). Tình trạng mắc mới của căn bệnh không lây nhiễm này đã trở nên báo động hơn bao giờ hết. Hơn nữa số người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán tại cộng đồng cao, năm 2012 là 63,6%.
Ths, Bs Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương chia sẻ, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2 còn rất trẻ, chỉ 11- 15 tuổi. Điểm đáng chú ý là có những bệnh nhân sống ở các tỉnh miền núi như Phú Thọ, Thiệu Yên (Thanh Hóa). Các em chỉ mới 13-15 tuổi nhưng cân nặng đều trên 70 kg, và béo phì chính là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đái tháo đường. Lối sống thiếu điều độ, ăn uống không khoa học chính là “thủ phạm” gây ra căn bệnh mạn tính này. Thay đổi lối sống chính là nội dung chính trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày đái tháo đường thế giới năm nay tại Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh cao nhưng công tác quản lý và chăm sóc người bị đái tháo đường còn nhiều hạn chế do chưa có sự tham gia, phối hợp liên ngành trong phòng chống bệnh đái tháo đường; chưa có chiến lược tổng thế, dài hạn phòng chống bệnh, việc quản lý, lồng ghép phòng chống bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp còn nhiều hạn chế… Một trong những nguyên nhân khiến cho căn bệnh được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” này gia tăng nhanh là do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, các trạm y tế tuyến huyện, xã không đủ năng lực về trang thiết bị, con người….
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiến tới quản lý bệnh đái tháo đường ở tuyến xã, tới các bác sĩ gia đình, tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn trong dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát hiện sớm bệnh, cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh nhân đái tháo đường, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong phát hiện, điều trị và chăm sóc người bệnh đái tháo đường tại cơ sở.
Nhân Ngày đái tháo đường thế giới 14/11, đánh dấu năm đầu tiên của giai đoạn 2014-2016 tập trung vào chủ đề “sống lành mạnh và đái tháo đường” Bệnh viện Nội tiết trung ương phối hợp với Novo Nordisk Pharma A/S sẽ tổ chức “Chương trình Làng thay đổi đái tháo đường” từ ngày 8-16/11 tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đây sẽ là ngày hội cung cấp thông tin, kiến thức về bệnh đái tháo đường, khám sàng lọc những người có nguy cơ cao mắc bệnh, chăm sóc, hướng dẫn dinh dưỡng, hướng dẫn tự theo dõi và các kiến thức phòng bệnh cho khoảng 20.000 người dân. Chương trình hoàn toàn miễn phí cho mọi người:
- Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 8-9/11/2014 tại Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
- Thành phố Cần Thơ từ ngày 10-11/11 tại Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ.
- Thành phố Đà Nẵng từ ngày 12-12/11 tại Bệnh viện Đà Nẵng.
- Thành phố Hà Nội từ ngày 14-15/11 tại Bệnh viện Nội tiết trung ương cơ sở 2
Bệnh đái tháo đường là căn bệnh đứng thứ 4 về số tử vong trong các bệnh không lây nhiễm, tuy nhiên đây lại là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu như mỗi cá nhân thực hiện lối sống lành mạnh. TS Khuê cho rằng “Nếu mỗi người bình thường đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tới 40%”.
Hải Yến
Hải Yến