Hà Nội

Việt Nam đã áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn

10-04-2020 16:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng chống dịch do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 10/4

Phòng chống dịch COVID-19: Thực hiện triệt để chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch

Thay mặt Ban Chỉ đạo báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như đại dịch COVID-19. Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh, hàng chục nghìn người tử vong.

Đặc biệt, virus gây bệnh COVID-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, do đó ngay từ đầu giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt bắt tay vào nghiên cứu, chỉ sau 14 ngày đã có bản đồ gen, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vacine, thuốc đặc trị hiện vẫn chưa có lời giải,… Lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng, với sự vào cuộc tích cực của giới khoa học thế giới, tiến trình này sẽ được rút ngắn thời gian thực hiện và sớm có kết quả so với các dịch bệnh trước đó (dịch SARS, MerCoV, H5N1...).

Đối với Việt Nam, chúng ta đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Cụ thể, lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly tập trung và cách ly toàn xã hội. Ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn 1 mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Về công tác chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chưa bao giờ trong công tác chống dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ như lần này, coi “chống dịch như chống giặc”. Các kịch bản ứng phó, các chỉ đạo từ cấp cao nhất liên tục được cập nhật theo diễn biến thực tế của dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng tham gia chống dịch...

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại giao ban báo chí trực tuyến

Việt Nam cũng áp dụng triệt để chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch – đây là chiến lược chúng ta kiên định thực hiện. Với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tuỳ tình hình chiến thuật có thể thay đổi nhưng chiến lược không thay đổi để siết chặt phòng tuyến bảo vệ đất nước trước sự tấn công của đại dịch COVID-19.

Rất nhiều bài học, quan điểm, chiến lược phòng chống dịch của chúng ta đã được thế giới ghi nhận

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, có rất nhiều bài học, quan điểm, chiến lược phòng chống dịch của chúng ta đã được thế giới ghi nhận

Thứ nhất, là chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, khi dịch mới xảy ra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch…. đã chỉ đạo rât quyết liệt, quan điểm "chống dịch như chống giặc", huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia với phương châm 4 tại chỗ; đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền địa phương các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thứ hai, Việt Nam đã huy động toàn dân tham gia, "mỗi người dân là một chiến sĩ" trong mặt trận phòng chống dịch. Và Việt Nam cũng là một trong rất ít các nước huy động quân đội tham gia phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu.

Thứ ba, chúng ta đã áp dụng triệt để tất cả các biện pháp cần thiết để đối phó với dịch bệnh. Chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị. Đây là chiến lược chúng ta đã đưa ra ngay từ đầu và kiên định thực hiện.

"Việc ngăn chặn là ngay từ đầu chúng ta đã ngăn chặn dịch xâm nhập từ biên giới phía Bắc, cách ly triệt để người từ vùng dịch về, nâng dần các cấp độ cho từng nước, từng khu vực, và ngày càng siết chặt để bảo vệ không cho dịch xâm nhập vào Việt Nam. Chiến lược này rất quan trọng"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

Thứ tư, toàn bộ lực lượng về y tế đã triển khai rất bài bản, từ giám sát đến phát hiện, điều trị, phân tuyến điều trị, chuẩn bị cho tất cả các tình huống. Liên tục cập nhật các tình huống và khi đang ở tình huống hiện tại nhưng luôn chuẩn bị cho tình huống xấu hơn.

Về điều trị, chúng ta thực hiện phân tuyến điều trị đến tận cơ sở. Bệnh nhân ở đâu thì điều trị tại đấy theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời hình thành lên mạng lưới điều trị của tất cả các bệnh viện lớn trên toàn quốc. Huy động các chuyên gia tham gia chia sẻ, hội chẩn về công tác điều trị cùng với sự nỗ lực của tất cả các thầy thuốc, do vậy đến hiện nay chúng ta dù đã có những bệnh nhân nặng nhưng vẫn chưa có trường hợp nào từ vong.

Thứ năm, chúng ta áp dụng triệt để vấn đề khoa học công nghệ. Các nhà khoa học của Việt Nam tập trung vào công tác nghiên cứu, phát triển và cho lưu hành sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, tạo điều kiện để chúng ta chủ động về xét nghiệm phát hiện.

Đồng thời các nhà khoa học cũng tập trung nghiên cứu phát triển đầu tư sản xuất trang thiết bị phòng hộ, đặc biệt là máy thở.

Ứng dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, chúng ta ứng dụng triệt để về công nghệ thông tin, sử dụng trong báo cáo, tuyên truyền thông tin, phổ biến thông tin, theo dõi giám bệnh nhân và điều trị. Nhờ đó đã truy vết người trên các máy bay từ nước ngoài về. Có thể nói không có lực lượng công nghệ thông tin thì không tìm ra đối tượng này bởi nhiều người đến nước ta du lịch nhưng không hề có số điện thoại, du lịch ba lo. Việt Nam cũng là một trong những nước thực hiện sớm tờ khai y tế điện tử đối với người nhập cảnh.

Những biện pháp chúng ta thực hiện thời gian qua có thể khẳng định là đúng đắn. Cách ly toàn xã hội là một trong những giải pháp mạnh mẽ nhất. Giãn cách xã hội, cách ly xã hội và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân: đeo khẩu trang, rửa tay là “vắc xin" cho phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

"Hiện nay dù số ca nhiễm có xu hướng chậm lại, giảm một ngày có 3-4 ca, có ngày 10 ca nhưng chúng không được chủ quan. Chúng ta luôn theo dõi các yếu tố nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở Việt Nam như những người đã nhập cảnh vào Việt Nam thời gian trước. Vì thế, người dân không được lơ là, mất cảnh giác, bỏ qua các định của cơ quan chuyên môn. Cần tuyệt đối tuân theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, yên tâm ở nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Đồng thời người dân cũng cần thay đổi nhận thức không chỉ phòng bệnh cho mình mà còn cho người khác, cho cộng đồng"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho rằng cần xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ Chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ.

“Việt Nam chuẩn bị tất cả các tình huống, mặc dù chúng ta đang ở tình huống hiện tại nhưng vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu hơn. Hiện nay vấn đề lây nhiễm đang ở mức độ thấp, nhưng chúng ta đã chuẩn bị cho những tình huống khẩn  cấp để không bị động và phải đảm bảo chủ động trong công tác hậu cần cho phòng chống dịch”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, chưa bao giờ các lực lượng truyền thông chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt như lần này (trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội). Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh,… đều nhanh chóng truyền tải đến với công chúng, để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Dù diễn biến dịch bệnh trong nước đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế trong nước đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các cơ quan truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; người dân tự có ý thức phòng bệnh cho mình cũng là phòng bệnh cho cộng đồng; đồng thời báo chí cần lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch… để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch…



Thái Bình
Ý kiến của bạn