Chiều 31/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã có buổi ký biên bản ghi nhớ hợp tác để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh đái tháo đường ở các cơ sở y tế.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, bệnh không lây nhiễm là những bệnh mạn tính phổ biến trên toàn cầu. Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018, tử vong do bệnh không lây nhiễm ước tính chiếm 77% nguyên nhân của tất cả các tử vong. Tử vong do bệnh tim mạch chiếm 31%, tử vong do ung thư là 19%, 6% do các bệnh hô hấp mạn tính, 4% do bệnh đái tháo đường, 18% do các bệnh không lây nhiễm khác, 11% do bệnh truyền nhiễm, mang thai và tình trạng dinh dưỡng, 11% do chấn thương.
Từ năm 2015, phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm đã được đưa vào trong Chiến lược quốc gia 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này thể hiện sự cam kết, ưu tiên của Chính phủ, ngành y tế trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Mục tiêu của Chiến lược là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị, tăng tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát đạt mục tiêu. Để đạt được các mục tiêu này, chiến lược quan trọng là nâng cao năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh.
Riêng về bệnh đái tháo đường, năm 2017, Việt Nam có tới 3,5 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường và con số này dự đoán tăng thành 6,3 triệu người vào năm 2025 nếu chúng ta không có kế hoạch hành động.
“Một điều đáng lưu tâm là một nửa người chung sống với bệnh đái tháo đường không biết họ mắc bệnh. Việc chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường sẽ giúp bệnh nhân được chăm sóc và điều trị sớm, giúp tránh được các biến chứng của bệnh, kiểm soát bệnh tốt hơn và giảm chi phí điều trị”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Đại sứ quán Đan mạch tại Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh đái tháo đường ở các cơ sở y tế.
Sáng kiến triển khai chương trình hợp tác giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về đào tạo y tế giai đoạn 2019-2020 nhằm hỗ trợ ngành y tế tăng cường năng lực trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Bộ Y tế Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến, đóng góp của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đối với chương trình phòng, chống đái tháo đường tại Việt Nam nói riêng và phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung.
Tại lễ ký kết, ông Morten Pristed, Tham tán y tế và giáo dục, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, trong lần ký kết biên bản hợp tác này, Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam trong hai lĩnh vực chính: đào tạo và nâng cao nhận thức về bệnh không lây nhiễm, đặc biệt về bệnh đái tháo đường; ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng y tế điện tử cho cán bộ y tế trong đào tạo y tế, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các nội dung này gắn liền với các mục tiêu phòng, chống đái tháo đường trong Chiến lược quốc gia 2015-2025.
“Chúng tôi mong muốn sử dụng những nền tảng thông tin và giáo dục trong việc nâng cao nhận thức và đào tạo về chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua Ứng dụng hành trình bệnh đái tháo đường (diabetes journey application) và website về bệnh đái tháo đường. Dự án Ứng dụng hành trình bệnh đái tháo đường là một hướng tiếp cận mới mẻ và đột phá để nâng cao năng lực bác sĩ điều trị”- ông Mortan Prissted nói.
Theo ông Morten Pristed, ứng dụng này sẽ cung cấp công cụ y tế điện tử, cán bộ y tế ở các cơ sở, đặc biệt là ở tuyến dưới thông qua một app trên điện thoại. Cán bộ y tế chỉ nhập dữ liệu bệnh nhân, ứng dụng này sẽ hướng dẫn các bước tiếp theo sẽ xử lý và điều trị như thế nào theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường được Bộ y tế ban hành năm 2017. Đây là công cụ hỗ trợ các bác sĩ tham khảo trong thực hành lâm sàng về bệnh đái tháo đường.