Hà Nội

Việt Nam có tỉ lệ viêm gan B cao nhất nhì khu vực, nhiều người không biết mình mắc bệnh

PGS.TS Đỗ Duy Cường

PGS.TS Đỗ Duy Cường

Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai

30-07-2018 15:19 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới (10-20%). Nhưng đáng chú ý là có đến 90% người bị viêm gan không biết được tình trạng bệnh.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, các bệnh về gan là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam. Viêm gan virus B, C là một trong những căn nguyên hàng đầu gây biến chứng xơ gan và ung thư gan.

Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở nước ta ở mức cao nhất, nhì trong khu vực, với tỷ lệ khoảng 15% dân số nhiễm viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm viêm gan C chiếm khoảng 2%. Ước tính dân số Việt Nam 100 triệu người thì có khoảng 15 triệu người nhiễm viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm viêm gan C.

Mặc dù số người mắc bệnh cao như vậy nhưng theo PGS. Cường, có tới 90% bệnh nhân mắc cả hai loại viêm gan trên họ không biết được tình trạng bệnh của mình nên không được chẩn đoán sớm. Vì vậy, khi bệnh nhân phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn muộn nên công tác điều trị có nhiều khó khăn.

Với bệnh nhân viêm gan ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng nên chỉ có cách sàng lọc, đi xét nghiệm máu mới phát hiện được bệnh. Hoặc trường hợp trong gia đình có người mắc viêm gan B thì các thành viên khác cần phải đi xét nghiệm sàng lọc. Nếu như ai đã bị viêm gan rồi cần vào diện quản lý điều trị, vì bệnh viêm gan B ủ bệnh rất lâu dài không phát hiện ra dễ lây lan cho người khác.

Bệnh nhân viêm gan điều trị tại BV Bạch Mai.

Bệnh nhân viêm gan kiệt quệ nếu không có BHYT

Theo PGS. Cường, một người mắc viêm gan B phải đối mặt đó là việc điều trị lâu dài và suốt đời. Bệnh nhân phải chịu gánh nặng chi phí điều trị. Với bệnh nhân viêm gan B điều trị mỗi tháng phải dùng thuốc kháng virus để điều trị, chi phí tiền triệu dành cho thuốc kháng virus, chưa kể tiền xét nghiệm tải lượng virus chi phí cũng khá cao.

“Bảo hiểm y tế hiện nay đã chi trả cho những người mắc viêm gan B, vì vậy chúng tôi khuyên người bệnh phát hiện ra mình có bệnh viêm gan B nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi, nhận được thuốc bảo hiểm và tuân thủ tốt sức khỏe cải thiện. Khi uống thuốc vào không còn virus trong máu sẽ hạn chế lây lan trong cộng đồng”- chuyên gia truyền nhiễm khuyến cáo.

Với bệnh viêm gan C, hiện vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh. Việc điều trị trước đây chủ yếu bằng thuốc cổ điển rất đắt tiền, chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng bởi việc tiêm và điều trị kéo dài hàng năm, có nhiều tác dụng phụ và hiệu quả điều trị chỉ 30-40%. Thời gian gần đây, với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, không có tác dụng phụ và giá thành rẻ hơn so với chi phí trước đây nhiều. Thời gian điều trị cho bệnh nhân rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thuốc điều trị viêm gan C vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Một đợt điều trị với chi phí khoảng 30-40 triệu là gánh nặng rất lớn đối với nhiều người. Chính vì vậy, các bác sĩ mong muốn nhiều người được phát hiện vì bệnh tiến triển rất âm thầm, nguy cơ dẫn tới xơ gan, ung thư gan cao.

"Bệnh viêm gan B đã được đưa vào chương trình bảo hiểm y tế chi trả thì viêm gan C chỉ điều trị trong 12 tuần, tỉ lệ điều trị khỏi cao, do đó cần được đưa vào bảo hiểm y tế chi trả để bớt gánh nặng cho người bệnh"- ông Cường khuyến cáo.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn