"Lộ trình tương lai của thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam" là một ấn bản do KPMG (công ty tư vấn toàn cầu) phối hợp cùng OUCRU ấn hành.
Ấn bản này, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, phân tích các xu hướng chính trong phát triển thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Đồng thời, ấn bản còn chỉ ra các rào cản đối với thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, có so sánh các chuẩn thị trường tương đồng giữa 12 quốc gia. Ngoài ra, ấn bản còn nêu bật tác động kinh tế - xã hội của ngành thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, ấn bản "Lộ trình tương lai của thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam" với các tác giả là chuyên gia đầu ngành quốc tế và Việt Nam hợp tác thực hiện còn đưa ra nhiều khuyến nghị để thúc đẩy phát triển thư nghiệm lâm sàng.
Tại buổi tọa đàm, GS Guy Thwaites - Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford Việt Nam (OUCRU) - đã dẫn kết quả nghiên cứu lâm sàng 35 năm trước về sốt rét để chỉ ra rằng, Việt Nam có lợi thế trong lĩnh vực này từ nhiều năm trước đây.

GS Guy Thwaites- Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford Việt Nam. Ảnh: Thanh Giang
GS Guy Thwaites còn dẫn những kết quả nghiên cứu lâm sàng mới công bố gần đây liên quan tới viêm gan C để lần nữa nhấn mạnh, có những vấn đề lâm sàng cần nghiên cứu chỉ có tại Việt Nam.
Dịp này, GS Guy Thwaites còn đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, thời gian phê duyệt các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cần sớm hơn (hiện các nước phát triển từ 6 tới 12 tháng, còn ở Việt Nam gần 24 tháng); nhân lực nội tại cần được đáp ứng đầy đủ (thực tế là nhân lực tham gia các nghiên cứu hiện đang thiếu rất nhiều) ...

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Lộ trình tương lai của thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam” .
Theo ông Luke Treloar - Trưởng bộ phận Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế của KPMG tại Việt Nam, ấn bản "Lộ trình hướng tới tương lai của các thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam" là kết quả của quá trình nghiên cứu chuyên sâu, đối thoại đa bên và tầm nhìn chung về phát triển bền vững cho ngành y tế Việt Nam.
"Chúng tôi tự hào khi đã hợp tác với nhóm Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford trong việc xây dựng một lộ trình toàn diện cho tương lai của các thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nỗ lực chung của chúng tôi thể hiện một tầm nhìn chung nhằm chuyển đổi bối cảnh nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, với khuôn khổ chính sách phù hợp và sự hợp tác liên ngành liên tục, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm hàng đầu về thử nghiệm lâm sàng tại khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đổi mới y tế trong khu vực", ông Luke Treloar chia sẻ.
Cũng tại buổi tọa đàm, hai chuyên gia đặc trách lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã nêu bật một số thực trạng liên quan tới công tác nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện.
BS.CKII Phan Tấn Thuận - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến bệnh viện Ung bướu TPHCM cho hay, mặc dù nơi đây đang triển khai cùng lúc 36 dự án nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, song thực tế cho thấy nguồn lực, bao gồm nhân lực và tài lực chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.
Theo TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), thực trạng hiện nay là đa số bệnh viện xem nghiên cứu khoa học hay thử nghiệm lâm sàng, chỉ như nhiệm vụ. Trong khi đó, thế giới xem đây là lĩnh vực kinh tế hàm lượng chất xám cao. Do đó, nếu được đầu tư đầy đủ, đúng mức, triển khai bài bản, đóng góp của lĩnh vực nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện không chỉ tích cực hơn đối với nền kinh tế, còn có ý nghĩa đặc biệt đối với lĩnh vực an sinh xã hội...