Hà Nội

Việt Nam có mặt top 10 bóng đá châu Á 2008

02-01-2009 10:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sự kiện Việt Nam đăng quang tại AFF Cup 2008 đã được cây viết John Duerden (Goal.com) chọn là một trong 10 câu chuyện tiêu biểu của bóng đá châu Á năm 2008.

Sự kiện Việt Nam đăng quang tại AFF Cup 2008 đã được cây viết John Duerden (Goal.com) chọn là một trong 10 câu chuyện tiêu biểu của bóng đá châu Á năm 2008. Ngoài ra, cũng theo đánh giá của John, Công Vinh nằm ở vị trí thứ 5 trong top 10 chân sút châu Á đáng xem nhất 2008.

10.
Persepolis giành chức VĐ Iran

Giải VĐQG Iran năm 2008 đã kết thúc trong một chiều thi đấu đầy cảm xúc. CLB Persepolis đã ngồi trên ngôi đầu phần lớn thời gian mùa giải, nhưng việc sa sút phong độ bất ngờ và án phạt trừ 6 điểm đã khiến đội bóng tụt lại sau Sepahan, kém đối thủ 2 điểm trước vòng đấu cuối cùng.

Trong trận cầu then chốt đó, trước sự chứng kiến của gần 100.000 khán giả nhà, Persepolis đã làm nên chiến thắngnghẹt thởtrước chính Sepanham nhờ pha lập công quý giá của Sepehr Heidari ở phút 96, qua đó đăng quang ngôi VĐ.

9. Maldives giành chức VĐ Nam Á

Bóng đá luôn chứa đựng sự hấp dẫn mà ít ai ngờ tới. Liệu bạn có tin một đội bóng đại diện cho quốc gia vỏn vẻn 300.000 người đã đánh bại "gã láng giềng" có số dân lên đến cả tỉ? Mùa hè vừa qua, đảo quốc nhỏ bé Maldives ở khu vực Nam Á đã tạo nên cơn động đất tại giải bóng đá khu vực khi xuất sắc quật ngã "gã khổng lồ" Ấn Độ để lên ngôi VĐ.

8. Uzbekistan là bến đỗ mới của hai danh thủ Rivaldo & Zico

Rivaldo thi đấu trong màu áo Kuruvchi - Ảnh: D.L

Vài năm gần đây, Uzbekistan đã bắt đầu khẳng định được tên tuổi trong làng túc cầu châu Á. Không những vậy, mọi chuyện còn thay đổi đến chóng mặt kể từ mùa hè vừa qua. Đầu tiên là việc CLB Bunyodkor chào mời hợp đồng kỷ lục ve vãn "báo đen" Eto'o.

Giới truyền thông quốc tế cười khẩy trước thông tin trên cho đến khi ngôi sao người Cameroon xuất hiện tại thủ đô Taskhent. Dù hợp đồng đổ bể phút chót, nhưng ngay sau đó, cựu tiền vệ vang bóng một thời Rivaldo đã gia nhập CLB Kuruvchi. Thời gian tiếp theo, một huyền thoại khác trong làng bóng đá xứ sở Samba - Zico cũng "cập bến" Uzbekistan trong vai trò HLV.

7. Việt Nam đăng quang tại giải VĐ Đông Nam Á

Chiến thắng huy hoàng của ĐT Việt Nam một lần nữa chứng minh, vì sao bóng đá được coi là một thứ tôn giáo có thể tác động đến cả một dân tộc. Niềm vui, lễ hội và cả những màn ăn mừng không thể nào quên vừa diễn ra trên khắp dải đất hình chữ S, từ Hà Nội đổ vào Huế, Sài Gòn trong dịp cuối năm.

Các "Ngôi sao vàng" (ĐT Việt Nam) đã lập nên chiến công hiển hách khi quật ngã cả hai ƯCV VĐ của giải đấu. Trước tiên là cú "ngã ngựa" ngay trên sân nhà của nhà cựu VĐ Singapore. Tiếp đó, đoàn quân HLV Calitso còn đánh bại cựu thù Thái Lan qua hai lượt trận chung kết kịch tính đến nghẹt thở. Chiến công rực rỡ trên mở ra một tương lai tươi sáng cho bóng đá Việt Nam khi bước vào năm 2009.

VN vô địch Đông Nam Á- Ảnh: Nguyễn Hoàng


6. Cầu thủ Iraq tập luyện tại Baghdad

Tháng 9 vừa qua, các nhà ĐKVĐ châu Á bắt đầu quay trở lại Baghdad để tập luyện. Đây là lần đầu tiên các cầu thủ Iraq xuất hiện tại thủ đô kể từ sau sự sụp đổ của chính phủ Saddam Hussein 5 năm trước.

5. Gamba Osaka và Nhật Bản

Năm thứ hai liên tiếp, một CLB của Nhật Bản giành chức VĐ Champions League châu Á. Không những vậy, Gamba Osaka còn gây ấn tượng khi thi đấu khá tốt trước M.U tại World Cup các CLB và kết thúc giải đấu ở vị trí thứ ba.

4. Thất bại của bóng đá Olympic

Các đội bóng đại diện cho châu Á dự Olympic Bắc Kinh 2008 đều sớm rời giải trong nỗi thất vọng ê chề. Duy nhất Olympic Hàn Quốc giành nổi một trận thắng. Tuy vậy, đội quân "Taeguk Warriors" cũng chẳng thể tiến sâu.

Tệ hại nhất có lẽ chính là chủ nhà Trung Quốc. Họ thua tan tác tại vòng bảng và không để lại chút dấu ấn nào. Australia an ủi với một điểm giành được ở vòng bảng, trong khi Olympic Nhật Bản thua cả ba trận.

3. Luật chuyển nhượng mới ở châu Á

Thí điểm ở Nhật Bản và rồi dần lan rộng toàn châu Á, luật chuyển nhượng mới cho phép các CLB châu Á có thể ký hợp đồng với các cầu thủ nằm trong nhóm thành viên của AFC mà không bị tính vào khoản giới hạn 3 cầu thủ nước ngoài.

Gamba Osaka gây ấn tượng tốt tại World Cup các CLB - Ảnh: AP


2. Chuyển trụ sở LĐBĐ châu Á

Trụ sở LĐBĐ châu Á vốn dĩ tọa lạc ở Kuala Lumpur kể từ năm 1995. Thế nhưng, chủ tịch Mohamed Bin Hamman đã có quyết định gây sốc khi lên kế hoạch rời trụ sở sang một đất nước khác. Đã xuất hiện nhiều ƯCV liên hệ với AFC như UAE, Qatar hay Singapore. Tuy nhiên, sự kiện trên đã gây nên nhiều mâu thuẫn nội bộ trong BCH LĐBĐ châu Á.

1. Qatar để cầu thủ không được phép thi đấu vào sân

Đây là câu chuyện khiến báo giới châu Á tốn nhiều giấy mực nhất năm qua. Trong trận đấu thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2010, Qatar đã cho phép một cầu thủ không đủ tư cách thi đấu vào sân (Emerson) trận gặp Iraq.

Sau khi cuộc chạm trán kết thúc (Qatar thắng), Iraq đã đâm đơn kiện lên LĐBĐ châu Á và Tòa án thể thao quốc tế (CAS). Tuy nhiên, đơn kiện bị bác bỏ vì hai lý do hết sức "mờ ám", nộp lên quá muộn và Iraq không đủ tiền lệ phí theo kiện.

Ở góc độ đánh giá 10 cây làm bàn đáng xem nhất châu Á 2008, John Duerden đã xếp Lê Công Vinh ở vị trí thứ 5, với đánh giá: "Ngôi sao vàng của tuyển VN đã khiến 80 triệu người Việt Nam sướng điên cuồng sau khi ghi bàn thắng trên sân nhà trong trận đấu cuối của năm. Anh là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất ĐNÁ dù mới ở tuổi 23.

Anh ta tốc độ, khả năng tranh chấp trên không tốt, độ chính xác cao. Anh có thể vẫn ở dạng thô nên nếu chuyển đến một giải đấu lớn hơn có thể đánh bóng được viên kim cương này".
 
 
Theo VietNamNet

Ý kiến của bạn