Ngày 7/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức Chương trình 25 năm Internet Việt Nam & Internet Day 2022 với nhiều sự kiện và hoạt động ý nghĩa.
25 năm Internet Việt Nam & Internet Day 2022 là sự kiện được thực hiện với các nội dung, chương trình hoạt động được xây dựng và tích hợp từ các đề xuất và sáng kiến của Cộng đồng Internet tại Việt Nam cũng như hội viên Hiệp hội Internet Việt Nam.
Sau 25 năm, kể từ ngày 19/11/1997 (Khai trương dịch vụ Internet Việt Nam), Internet Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển vượt bậc. Việt Nam hiện tại đã được xếp hạng cao trong kết quả khảo sát của McKinsey tại các quốc gia với câu hỏi: Có sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong đoạn video gửi đến sự kiện: "Internet hiện nay không chỉ cho mọi người mà còn cho mọi vật, mọi lĩnh vực, mọi ngành kinh tế - xã hội, văn hóa… và được coi là một phương thức phát triển mới để giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình hiện đại hóa đất nước. Internet được coi là một thành tố quan trọng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay: Ngày 19/11/1997 đã mở đầu cho lịch sử internet Việt Nam, qua đó kết nối internet Việt Nam với mạng internet toàn cầu. Tại thời điểm đó, số người sử dụng internet ở Việt Nam chỉ có 200 nghìn người.
Đến năm 2002, có khoảng 3 triệu người ở Việt Nam sử dụng internet (4% dân số). Năm 2007 có 20 triệu người sử dụng internet. Đến tháng 9/2022, lượng người dùng internet ở Việt Nam khoảng 70 triệu người (70% dân số) và Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới. Trung bình người Việt Nam dùng 7 giờ/1 ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, những thành tựu của Việt Nam về internet trong những năm qua rất ấn tượng. Trong 25 năm qua, không thể phủ nhận những tính năng ưu việt của Internet thì Việt Nam đã phát triển toàn diện, Internet đã mang đến cho chúng ta những cơ hội và thách thức mới. Đó là chuyển hóa các mô hình, các ứng dụng dịch vụ trên Internet… đã đem đến những thay đổi thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, tri thức…
Ở thời điểm hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc. 19,79 triệu hộ gia đình Việt Nam đã có cáp quang, chiếm 72,4%.
Hệ thống cáp quang triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản và 100% trường học. Việt Nam hiện có 94,2 triệu thuê bao smartphone di động. Số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, chiếm tỷ lệ 74,3% dân số.
Chia sẻ về thực trạng tài nguyên Internet, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện có hơn 564.000 tên miền ".vn", đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam đang nằm trong số các nước triển khai IPv6, giao thức Internet mới nhất, cao nhất toàn cầu, với tỷ lệ ứng dụng IPv6 nằm trong top 10 thế giới và cao hơn gấp đôi khu vực ASEAN. Kinh tế số dự kiến sẽ đạt giá trị 49 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng hàng năm 31%, với đóng góp chính đến từ thương mại điện tử.
Ông Gustavo Fuchs - Giám đốc khu vực về Giải pháp và Công nghệ của Google Cloud Asia Pacific cho biết, tương lai của Internet là dành cho tất cả mọi người. Các tổ chức, chính phủ và người dân đều được hưởng lợi ích mà Internet mang lại.
Tại chương trình còn có các nội dung chuyên môn sâu về tương lai bền vững cho hệ sinh thái Internet Việt Nam nhằm cùng nhìn lại chặng đường 25 năm đã qua của Internet Việt Nam và định hình tương lai của Internet Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh phiên toàn thể với các bài tham luận và tọa đàm chia sẻ về tương lai bền vững cho Hệ sinh thái Internet Việt Nam là các phiên chuyên môn thể hiện các chủ đề liên quan đến thực trạng và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet.
Xem thêm video đang được quan tâm
Không khí lạnh kéo dài, Bắc Bộ có khả năng rét đậm trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023.