Mới đây, Bộ Y tế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) và Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (2/11). Thông tin cho biết, bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.
Theo Hiệp hội phòng chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn. Số liệu thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20-79 tuổi tới nay đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua, chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường đã tăng lên gấp ba lần.
Hiện có khoảng 537 triệu người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường, tương ứng 10,5% dân số. Trong đó có hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh ĐTĐ. Điều đáng nói là có tới 240 triệu người mắc bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán trên thế giới, nghĩa là khoảng gần một nửa người mắc ĐTĐ mà không mình mắc bệnh.
Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường cũng đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng... Trong số người trưởng thành tuổi từ 30-69, tỉ lệ mắc ĐTĐ là 2,7% vào năm 2002, nhưng đến năm 2020, tỉ lệ này đã tăng lên là 7,3%. Trong đó tỉ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán là 62,6%.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 - 2015 do chính phủ phê duyệt, chương trình hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết Trung ương 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Chương trình mục tiêu Y tế dân số giai đoạn 2016-2020.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống y tế từ Trung ương tới địa phương, và của bệnh viện nội tiết trung ương với vai trò là bệnh viện tuyến cuối điều trị các bệnh Nội tiết - Rối loạn chuyển hóa, chỉ đạo tuyến, công tác phòng, chống bệnh các bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh đái tháo đường, rối loạn các rối loạn do thiếu I ốt đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ý thức của người dân đã ngày càng được nâng cao trong việc phòng bệnh, xây dựng hành vi sức khỏe lành mạnh, tham gia sàng lọc để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, điều trị kịp thời tại các cơ sở Y tế; người dân đã được theo dõi, tư vấn để giảm thiểu biến chứng của bệnh, đặc biệt là phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận và các biến chứng nguy hiểm khác.
Chúng ta đã thành công trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là khống chế tỉ lệ đái tháo đường dưới 10%, chúng ta đã thực hiện được ở mức 7,3%, khống chế tỉ lệ tiền đái tháo đường dưới 20%, chúng ta đã giữ được ở mức 17%. Tuy nhiên trước tình hình các bệnh không lây nhiễm trên thế giới vẫn có xu hương gia tăng, trong đó có bệnh đái tháo đường, các cán bộ y tế và mỗi người dân chúng ta cần đề cao tinh thần phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe hơn nữa để bảo vệ bản thân và gia đình cũng như xã hội trước các nguy cơ bệnh tật, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh nhân đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt hay không? I SKĐS