Chiều 12/10, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa (Bộ Y tế), Bệnh viện Mắt Trung ương, Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thị giác Thế giới.
80% các nguyên nhân gây mù có thể phòng và chữa được
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán (Bộ Y tế) phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn… Tuy nhiên, 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà, 80% các nguyên nhân gây mù có thể phòng và chữa được; 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Qua điều tra cho thấy, các nguyên nhân gây mù chính hiện nay thì đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, glôcôm, tật khúc xạ...
"Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15 đến 20% ở học sinh nông thôn và 30 đến 40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị"- PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống mù lòa xuất hiện những thách thức mới như tỷ lệ mắc bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh võng mạc do đái tháo đường bệnh glôcôm cũng ngày càng tăng cao.
Tai nạn nghề nghiệp gây thương tích cho mắt chiếm hơn 1/3 tổng số chấn thương
PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết chủ đề Ngày thị giác Thế giới năm 2023 là "Yêu đôi mắt của bạn tại nơi làm việc" hướng tới an toàn mắt khi lao động, cảnh báo người dân về tầm quan trọng phải bảo vệ mắt trong quá trình lao động. "Tai nạn mắt thường đi kèm với giảm thị lực hoặc mù lòa. Để phòng tránh cần ưu tiên chăm sóc và bảo vệ mắt cho người lao động"- PGS Sơn lưu ý.
Thống kê cho thấy tai nạn nghề nghiệp gây thương tích cho mắt chiếm hơn 1/3 tổng số chấn thương. Trong đó nam giới trẻ chiếm 96,3%, trong nhóm này 89,1% các trường hợp chấn thương nhãn cầu hở xảy ra trong khi làm việc trong bối cảnh không đeo kính bảo hộ.
Hưởng ứng Ngày thị giác Thế giới năm nay, tổ chức quốc tế, các thầy thuốc nhãn khoa cảnh báo người dân về tầm quan trọng phải bảo vệ mắt trong quá trình lao động, kêu gọi người sử dụng lao động ưu tiên chăm sóc mắt cho người lao động mọi nơi, mọi lúc. Những thói quen người lao động có được ở nơi làm việc thường xuyên không phải lúc nào cũng chuyển sang môi trường sinh hoạt hay làm việc vặt trong gia đình dễ dàng. Do vậy chấn thương mắt cũng có thể xảy ra tại nhà. Mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, là gánh nặng xã hội.
Theo Viện sức khỏe và An toàn Lao động của Mỹ, tai nạn mắt với người lao động đến từ 2 nguồn: không mang phương tiện bảo hộ, bảo vệ mắt hoặc đeo những phương tiện không đủ năng lực bảo vệ mắt, phương tiện sai qui chuẩn.
Do vậy để phòng chống tai nạn mắt người lao động và sử dụng lao động cần lưu ý thực hiện 4 biện pháp chính như:
- Nâng cao hiểu biết về nguy cơ mất an toàn với mắt khi lao động;
- Loại bỏ nguy cơ chấn thương khi thao tác với điều khiển và thao tác với máy móc- động cơ- màn hình;
- Mang phương tiện bảo vệ mắt phù hợp;
- Giữ gìn phương tiện bảo vệ mắt cẩn thận và thay thế nếu chúng nếu bị hư hại.
Dịp này nhiều hoạt động thiết thực đã được diễn ra nhằm hưởng ứng Ngày thị giác Thế giới như khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí; kêu gọi gây quỹ chăm sóc mắt cho người dân nghèo, vùng khó khăn; tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức người dân, chính quyền các cấp về chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh mắt…