Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị

29-09-2023 11:22 | Y tế

SKĐS - Suy tim có 4 giai đoạn, nếu để đến giai đoạn cuối phải ghép tim, thay tim thì chi phí vô cùng tốn kém. Nếu phải vào phòng hồi sức cấp cứu, mỗi ngày có thể tiêu tốn 10 – 20 triệu.

Suy tim - gánh nặng cho chăm sóc sức khoẻ và kinh tế y tế

Hôm nay 29/9 - là Ngày Tim mạch Thế giới. Năm nay Ngày Tim mạch Thế giới có chủ đề: "Hiểu về Trái tim mình bằng cả trái tim" (Use heart, know heart) là một chiến dịch toàn cầu trong đó nhấn mạnh mỗi người chúng ta hãy tự nhận thức và chăm sóc chính trái tim của mình là cách tốt nhất để giảm được các biến cố tim mạch.


Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị - Ảnh 1.

Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị

Một trong những tình trạng sức khoẻ liên quan đến tim mạch là suy tim. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu còn cho thấy sau đại dịch COVID-19 các bệnh nhân nhiễm COVID-19 có khả năng tăng nguy cơ mắc suy tim lên đến 72%.

Theo PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh - Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, suy tim là một hội chứng hậu quả của rất nhiều nguyên nhân, dẫn đến tim không thể đẩy máu đi được hoặc là tim không thể chứa máu được (rối loạn đổ đầy). "Trong những năm gần đây, nếu chúng ta tính theo tần số của Châu Âu thì hiện nay Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị"- PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh nói.

Tài liệu "Góc khuất của suy tim: Những khoảng trống và khủng hoảng liên quan đến tình trạng suy tim tại khu vực APA" xuất bản bởi Hội Tim Mạch Châu Á - Thái Bình Dương mới đây đã cho thấy nhiều số liệu đáng quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe suy tim của khu vực bao gồm cả Việt Nam. Cụ thể các chuyên gia cho hay, gánh nặng suy tim lên nền kinh tế toàn cầu đang ước tính khoảng 346,17 tỷ USD. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân suy tim tại khu vực APAC là 5 đến 12 ngày và có tới 15% bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày.

Tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh cũng cho biết, suy tim có 4 giai đoạn, nếu để đến giai đoạn cuối phải ghép tim, thay tim thì chi phí vô cùng tốn kém. Một người suy tim nặng, một năm có thể nhập viện đến 2 – 3 lần. Nếu phải vào phòng hồi sức cấp cứu, mỗi ngày có thể tiêu tốn 10 – 20 triệu.

Cùng đó qua khảo sát các bác sĩ tham gia vào hệ thống chăm sóc bệnh nhân suy tim trong khu vực đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn đọng như: Nhận thức về suy tim của bệnh nhân và bác sĩ vẫn còn thiếu, điển hình như các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim; Công tác chẩn đoán suy tim – bao gồm việc tiếp cận các công cụ chẩn đoán như các chất chỉ điểm sinh học - vẫn chưa được xem là chính yếu tại nhiều quốc gia dẫn đến sự chậm trễ trong việc giúp bệnh nhân nhận được những dịch vụ chăm sóc cần thiết. Thiếu những trung tâm chăm sóc, theo dõi bệnh nhân sau khi xuất viện hoặc khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các dịch vụ phục hồi chức năng tim mạch…


Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị - Ảnh 2.

Suy tim- gánh nặng cho chăm sóc sức khoẻ và kinh tế y tế

Chẩn đoán suy tim tại Việt Nam

Các chuyên gia tim mạch cho biết, bên cạnh thông tin bệnh sử, khám lâm sàng, những tiến bộ trong khoa học gần đây cho phép bác sĩ tim mạch trong hầu hết các trường hợp chẩn đoán suy tim sử dụng thêm những biện pháp tiên tiến như siêu âm tim và các chất chỉ điểm sinh học như NT-proBNP.

Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh: Việt Nam đã phát triển rất nhiều, các bác sĩ Việt Nam đều có thể sử dụng NT-proBNP trong chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị suy tim cho bệnh nhân.

Về mặt chẩn đoán, NT-proBNP giúp dễ dàng phân biệt các triệu chứng của suy tim như khó thở do suy tim với các nguyên nhân khó thở khác. Về điều trị, nếu điều trị tốt thì NT-proBNP giảm, nếu chưa tốt thì NT-proBNP tăng. Hoặc khi bệnh nhân xuất viện, nếu NT-proBNP cao thì bệnh nhân chắc chắn sẽ nhập viện trở lại sớm." 

Chẩn đoán sớm và theo dõi điều trị suy tim sẽ giúp tránh tình trạng suy tim trở nặng kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp, đột quỵ, đột tử và tử vong.

Phòng ngừa suy tim và bệnh tim mạch nói chung thế nào?

Suy tim nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung có thể phòng ngừa được nếu chúng ta có thể kiểm soát và khắc phục các yếu tố nguy cơ. Theo TS.BS. Trần Hòa, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam, để phòng ngừa suy tim nói riêng và các bệnh tim mạch người dân nên:

  • Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình: Tăng cường ăn rau và cá, giảm ăn muối, đồ ngọt, dầu mỡ.
  • Vận động thể lực mỗi ngày: ít nhất 30 phút Không hút thuốc, hạn chế rượu bia
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra huyết áp, cholesterol và glucose thường xuyên. Tăng huyết áp là yếu tố quan trọng gây khoảng một nửa số bệnh tim mạch và đột quỵ.
  • Người mắc bệnh tim mạch nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.
Khoảng 200.000 người Việt tử vong vì tim mạch mỗi năm, 8 lời khuyên để không mắc bệnh nàyKhoảng 200.000 người Việt tử vong vì tim mạch mỗi năm, 8 lời khuyên để không mắc bệnh này

SKĐS - Tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

 

 

Thái Bình
Ý kiến của bạn