Việt Nam có cơ hội thành quốc gia vượt trội trong thử nghiệm lâm sàng các thuốc mới

15-07-2020 10:28 | Thời sự
google news

SKĐS - GS Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc sử dụng công nghệ số để thay đổi phương thức thử nghiệm và can thiệp lâm sàng đang có một tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia vượt trội trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới trong khu vực và trên toàn thế giới.

Tại Hà Nội, KPMG Việt Nam cùng phối hợp với Pharma Group tổ chức sự kiện mang tên “Khai phá tiềm năng ngành Y tế Việt Nam” với sự tham gia của hơn 85 đại diện của Chính phủ, Đại sứ quán, các doanh nghiệp, từ quy mô start up đến công ty đa quốc gia.

Tại cuộc đối thoại đa bên này, các chuyên gia cùng thảo luận về các cơ hội để thực hiện hóa tiềm năng đầy đủ của ngành y tế tại Việt Nam, đặc biệt là làm thế nào để hình thành một môi trường kinh doanh dài hạn có tính dự đoán, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận cho bệnh nhân và gặt hái được trọn vẹn các giá trị từ ngành dược phẩm phát minh

Bên lề cuộc đối thoại, chúng tôi đã trò chuyện với GS Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề về ngành dược phát minh

GS Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở TP Hồ Chí Minh

PV: Theo ông, ngành dược phẩm phát minh đã đóng góp như thế nào cho thành công của Việt Nam trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19?

GS Guy Thwaites: Tôi nghĩ rằng ngành dược phẩm phát minh đã giúp sức rất nhiều cho thành công này, thông qua việc cung cấp một số thiết bị y tế, chẳng hạn như thiết bị bảo hộ; qua việc đào tạo và hỗ trợ cơ sở hạ tầng để có thể giúp ứng phó với virus. Đó là những đóng góp vô cùng to lớn.

Xét trên khía cạnh học thuật, ngành dược phẩm phát minh cũng đã thể hiện vai trò của mình trong việc hỗ trợ phát triển kĩ thuật chẩn đoán – một yếu tố song hành quan trọng trong công tác ứng phó với virus.

Chúng tôi cũng đã hợp tác với Bộ Y tế trong tiến trình thử nghiệm lâm sàng liệu pháp điều trị COVID-19. Quá trình này hiện đang tạm ngưng do tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị còn rất ít.

Tuy nhiên trong thời gian tới, nếu có thêm những ca mắc mới thì công tác thử nghiệm thuốc – cả thuốc cũ và thuốc mới – nhằm phát minh ra loại thuốc điều trị căn bệnh này đều đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Ngành dược phẩm phát minh đã đóng góp cho rất nhiều hoạt động, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, và hy vọng sẽ sớm mang lại kết quả khả quan.

PV: Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi công nghệ số, trong đó có cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông nghĩ thế nào về việc ứng dụng công nghệ số trong thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam?

GS Guy Thwaites: Tôi cho rằng quá trình này có thể tạo ra khác biệt rất lớn trong thử nghiệm lâm sàng, tùy theo loại bệnh mà chúng ta bắt đầu áp dụng.

Nếu chúng ta bắt đầu từ việc nghiên cứu các bệnh cấp tính, hay ứng phó với những đợt dịch không được dự đoán trước, công nghệ số cho phép theo dõi bệnh nhân một cách chính xác, từ đó hiểu thêm về loại thuốc mới đang trong quá trình thử nghiệm có tác động đến bệnh đó như thế nào. Theo tôi, điều này thực sự rất quan trọng.

Nếu chúng ta bắt đầu từ việc nghiên cứu các bệnh mạn tính, ví dụ như với bệnh tiểu đường, công nghệ này cung cấp cho chúng ta một cơ chế để có thể theo dõi bệnh nhân ở cộng đồng, và các thiết bị để thực hiện điều đó bằng việc liên tục thu thập dữ liệu từ bệnh nhân, từ đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh, và về loại thuốc đang thử nghiệm có tác động như thế nào đến căn bệnh đó.

Việc sử dụng công nghệ số để thay đổi phương thức thử nghiệm và can thiệp lâm sàng đang có một tiềm năng rất lớn tại Việt Nam.

PV: Ông nghĩ việc áp dụng y tế công nghệ số vào các thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam có khả thi không? Việc này sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

GS Guy Thwaites: Tôi nhấn mạnh, điều này hoàn toàn khả thi! Chỉ cần thay đổi về cách nghĩ, chúng ta sẽ làm được.

Như tôi đã giải thích, công đoạn có thể tạo ra khác biệt lớn nhất trong việc theo dõi bệnh nhân chính là thu thập dữ liệu lâm sàng. Việc áp dụng y tế số vào công đoạn này sẽ giúp các thử nghiệm hiệu quả hơn rất nhiều với chi phí thấp hơn, và thu được kết quả nhanh hơn.

Một tham vọng lớn hơn trong lĩnh vực này là sử dụng Big Data và phân tích quy trình dữ liệu thông qua mô hình học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo.

Các kỹ thuật này không chỉ nâng tầm công tác thử nghiệm lâm sàng cùng với hiểu biết về gánh nặng và đặc điểm bệnh tật với một cỡ mẫu lớn, ví dụ như toàn bộ người dân Việt Nam, mà còn tạo ra một cuộc cách mạng về mặt phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Công nghệ này mở ra cho chúng ta một cánh cửa mới với vô vàn cơ hội, và không có lý do gì Việt Nam lại không thể nắm bắt được.

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới ở Việt Nam? Liệu đây có thể trở thành lĩnh vực phát triển nhanh chóng trong tương lai?

GS Guy Thwaites (giữa) cùng các chuyên gia thảo luận tại buổi đối thoại “Khai phá tiềm năng ngành Y tế Việt Nam”

GS Guy Thwaites: Hoàn toàn có thể, và điều này thực sự mang ý nghĩa rất quan trọng. Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia vượt trội trong lĩnh vực này trong khu vực và trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, phát triển thử nghiệm các loại thuốc mới thông qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II là một việc không hề dễ dàng. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều ở cơ sở hạ tầng và trình độ chuyên môn, tuy nhiên cũng có hai yếu tố Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng được, đó là có dân số đông và một hệ thống y tế vận hành nhịp nhàng.

Việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra một khung pháp lý hoàn chỉnh và tận dụng chuyên môn từ các chuyên gia trong nướclà một phần trong kế hoạch lớn hướng tới hiện thực hóathử nghiệm lâm sàng giai đoạn II tại Việt Nam. Mục tiêu này nếu đạt được, sẽ không chỉ giúp ích cho Việt Nam mà còn giúp ích cho cả thế giới.

Hiện tại chúng tôi vẫn đang cố gắng thử sức với các giai đoạn phát minh mới, cụ thể là hai nghiên cứu thử nghiệm phát triển thuốc mới, mặc dù hiện tại việc này vẫn đang ở giai đoạn kêu gọi tài trợ.

Đây sẽ là kết quả của sự hợp tác giữa các công ty dược phẩm phát minh và chính phủ - một quan hệ hợp tác công-tư. Chúng tôi rất hào hứng và mong chờ ý tưởng này trở thành hiện thực, bởi việc điều đó sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng thuốc phát minh.

PV: Xin cảm ơn ông!


Nguyễn Hoàng (thực hiện)
Ý kiến của bạn