Dịch bệnh bên ngoài vẫn phức tạp
Kể từ khi nước ta ghi nhận bệnh nhân lây lan từ cộng đồng cuối cùng (bệnh nhân 268) được cách ly từ 7/4 và hiện đã khỏi bệnh, tính đến thời điểm 3/5 đã là 25 ngày. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo vẫn chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì không thể chủ quan, trong đó số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao...
Việc tụ tập đông người tại một số điểm du lịch trong kỳ nghỉ lễ vừa qua là rất đáng lo ngại.
Trả lời về việc đã nhiều ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, liệu có triển vọng tiến tới công bố hết dịch, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, điều kiện để công bố hết dịch theo quy định là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh COVID-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế. Theo Quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khi xác định dịch hết nguy cơ và phải đưa ra được các biện pháp triển khai tiếp việc phòng, chống, bảo đảm không còn lây lan mới được công bố hết dịch.
Cũng theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh
Chung sống an toàn và đừng quên 5 khuyến cáo phòng chống dịch
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nước đánh giá cao Việt Nam có nguồn lực hạn chế nhưng khống chế tốt dịch. Đến thời điểm này, số mắc ít, số tử vong không có, khống chế tốt hơn nhiều quốc gia nguồn lực tốt hơn. “Tôi nghĩ tới đây Việt Nam cũng ổn, nhưng chúng ta phải đề phòng, không chủ quan. Nếu có ca mắc sẽ là người nhập cảnh, mình tiếp tục cách ly, khống chế không để lây lan. Còn hiện tại, chúng ta đang thực hiện giãn cách cộng đồng tốt nhưng chưa thể dứt điểm 100% ca mắc” - PGS. Phu nhận định.
Chuyên gia này cũng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta xác định sống chung với dịch an toàn, bảo đảm mục tiêu kép, vừa làm kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ sức khỏe. Mỗi loại hình, cơ sơ sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ phải thực hiện các điều kiện phòng bệnh cho người dân. Dựa trên hướng dẫn cơ bản của Bộ Y tế, các ngành sẽ xây dựng những quy định riêng.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nguyên tắc “5 an toàn” mà Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã khuyến cáo: Đeo khẩu trang; Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người; Hạn chế ra ngoài, nhất là người có bệnh nền, mạn tính, người già; Vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng COVID-19 mà còn phòng bệnh cúm, đặc biệt là bệnh tiêu hóa khi vào mùa hè; Tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
Theo TS. Ðỗ Tuấn Ðạt, Chủ tịch VABIOTECH, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này. Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vắc-xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Ðây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc-xin.