Hà Nội

Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm phổi cấp do nCoV

19-01-2020 09:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp bệnh viêm phôi cấp do chủng vi rút corona mới nhưng trong bối cảnh một số nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp do nCoV xâm nhập, đặc biệt trong thời gian tới Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc

2 ca bệnh ở Trung Quốc tử vong do nCoV

Ngày 19/1, Cục Y tế dự phòng cho biết, Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Bộ Y tế tổng hợp từ các nguồn tình hình bệnh viêm phổi cấp do chủng mới vi rút corona (gọi tắt là nCoV) tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và một số quốc gia khác đến ngày 19/01/2020 cụ thể như sau:

Tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ghi nhận 45 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV (trong đó có 41 trường hợp được xét nghiệm khẳng định dương tính với nCoV trong số 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân ban đầu, 4 trường hợp ghi nhận bổ sung), có 2 trường hợp tử vong, 5 trường hợp vẫn ở trong tình trạng nặng, 12 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp khác trong tình trạng sức khỏe ổn định. Hai trường hợp tử vong đều có liên quan đến tiền sử mắc bệnh mạn tính.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người của vi rút nCoV.

Tại một số quốc gia khác trong khu vực châu Á đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV xâm nhập bao gồm: Thái Lan 02 trường hợp (cả hai trường hợp này đều là người cư trú tại thành phố Vũ Hán và đến Thái Lan du lịch), Nhật Bản 01 trường hợp (đây là người Nhật trở về từ thành phố Vũ Hán và có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán).

Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, thông qua việc giám sát tại cửa khẩu của hệ thống kiểm dịch y tế, tại Đà Nẵng đã phát hiện 02 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Cả hai đã được cách ly và quản lý kịp thời.

Qua theo dõi sức khỏe cả hai trường hợp này đều không có các biểu hiện khác của bệnh viêm phổi, sau đó đã hết sốt, kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và đã được xuất viện để trở về nước. Như vậy đến ngày 19/01/2020, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCoV.

Camera đo thân nhiệt, phát hiện hành khách mắc bệnh viêm phổi lạ ở sân bay (Ảnh: Epoch Times).

Trong bối cảnh một số nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp do nCoV xâm nhập, đặc biệt trong thời gian tới Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, bệnh viện và tại cộng đồng để phát hiện sớm và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện trường hợp bệnh xâm nhập, đồng thời tổ chức các Đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện một cách liên tục kể cả trong dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ hội dịp đầu năm.

Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

5. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Theo ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Phụ trách Quản lý, Điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong bối cảnh thời tiết đang giao mùa đông – xuân và Tết Nguyên đán, sẽ có nhiều khách du lịch tới Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi khiến cho dịch bệnh lây lan dễ dàng giữa 2 quốc gia.
Vì vậy, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động áp dụng các kinh nghiệm, bài học từ việc chống dịch SARS vào năm 2003, MER-CoV và nhiều dịch bệnh khác, đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp ngăn dịch bệnh từ cửa khẩu.
Ngoài công tác chủ động phòng, chống dịch, công tác giám sát dịch bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh kịp thời cũng rất quan trọng.

Phạm Hiệp
Ý kiến của bạn