Hội nghị Bộ trưởng Y tế Asean lần thứ 12 được tổ chức tại Việt Nam sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 15 - 19/9 tại Hà Nội, với chủ đề “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”. Đây cũng là năm đầu tiên, Việt Nam tổ chức Diễn đàn y tế cấp cao của khu vực Đông Nam Á.
Hội nghị lần này do Việt Nam chủ trì sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề y tế nóng nhất hiện nay, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế mạnh mẽ hơn nữa giữa các nước trong khu vực ASEAN và các đối tác ngoại khối như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các phiên họp trong khuôn khổ ASEAN 3 và ASEAN Trung Quốc năm nay tập trung vào vấn đề: tăng cường sức khỏe ban đầu trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư,... Bên cạnh đó, hội nghị hướng đến mục tiêu hợp tác đa ngành giữa các quốc gia trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi như cúm A/H5N1, H1N1, H7N9, dịch SARS, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, sốt rét kháng thuốc, hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do virut Corona (MERS-CoV) và gần đây nhất là dịch bệnh do virut Ebola.
Theo dự kiến, chương trình hội nghị sẽ diễn ra gồm 4 cuộc họp quan trọng bên lề với các đối tác nhằm tăng cường sự phát triển chung của y tế khu vực và nâng cao chất lượng sức khỏe của nhân dân Việt Nam do nhóm công tác chuyên môn của ASEAN đề xuất: Tài chính bền vững phục vụ cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN; Phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi; Mở rộng tỉ lệ bao phủ y tế toàn dân cho nhóm đối tượng không chính thức (gồm nhóm người lao động không hưởng lương từ quan hệ lao động theo quy định của pháp luật, người không có chế độ bảo hiểm xã hội mà còn có nhóm người khó khăn trong việc đóng góp tài chính cho việc tham gia BHYT); Vấn đề già hóa dân số và các biện pháp ứng phó.
Thời gian qua, y tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực trong quan hệ hợp tác quốc tế và tạo ấn tượng tại các diễn đàn y tế thế giới. Tiêu biểu như tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 67 diễn ra tại Geneva, Thuỵ Sĩ với sự tham dự của 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã thay mặt các nước ASEAN kêu gọi các chương trình đối phó với biến đổi khí hậu và đóng góp 20 bài tham luận tại các phiên họp y tế về phòng chống bệnh lây nhiễm và không lẫy nhiễm, ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ, cải cách cơ chế hoạt động của WHO, phát triển sản xuất vaccin,...
Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Y tế cấp cao sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực, đồng thời quảng bá, chia sẻ những thành tựu của ngành y tế Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tiêu biểu như quá trình thực hiện thành công Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ số 4 (Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi), và Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ số 5 (Giảm tỷ lệ tử vong các bà mẹ). Bên cạnh đó công tác phòng chống các dịch bệnh mới nổi và mở rộng, thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân của Việt Nam cũng là những vấn đề được các nước quan tâm. Theo lộ trình, 22 năm nữa Việt Nam mới lại được đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Y tế Asean.
Thúy Nga
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 có sự tham gia của 200 đại biểu quốc tế, bao gồm các Bộ trưởng Y tế của 10 nước ASEAN, Bộ trưởng Y tế của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Các quan chức cấp cao về vấn đề phát triển y tế; Tổng thư ký ASEAN và Ban Thư ký; Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương (WPRO) và Đông & Nam Á (SEAPRO) với vai trò giám sát viên tại phiên họp. Ngoài ra còn có các khách mời tham dự đến từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Bảo vệ quyền trẻ em (UNICEF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Âu (EU). Sự kiện này thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo các phóng viên đến từ các hãng thông tấn quốc tế như Reuteurs, AP, Xinhua, các đài truyền hình và phát thanh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines,...