Việt Nam- cầu nối hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ Triều Tiên

14-02-2019 10:23 | Quốc tế

SKĐS - Chỉ còn 2 tuần nữa Hội nghị thượng đỉnh thu hút dư luận cả thế giới sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, đó là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên lần thứ 2 vào ngày 27- 28/2/2019. Đây là cuộc gặp được các bên mong đợi sẽ có sự tiến triển thực sự cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Liệu sẽ có một thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần đầu tiên diễn ra hồi giữa tháng 6/2018 tại Singapore thực sự đã xua tan đi những căng thẳng ngoại giao trước đó, thắp lên hy vọng cho việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên kỳ vọng lớn, nhưng kết quả đạt được của hội nghị lần đầu không nhiều, điều duy nhất còn đọng lại là cam kết của Triều Tiên trong việc dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên lộ trình cụ thể của việc này thế nào, nội dung phi hạt nhân hóa ra sao vẫn còn là một trong vô số các câu hỏi mà truyền thông đặt ra. Tổng thống Mỹ khi đó còn nhận nhiều chỉ trích chỉ mang tính “trình diễn ngoại giao”.

Việt Nam- cầu nối hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ Triều TiênHai nhà lão đạo Mỹ - Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần 1

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2 này, một câu hỏi quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ. Đó là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tạo ra một thỏa thuận có thể làm hài lòng cả hai bên?

Thực tế là cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ đang có nhiều động lực và cùng  tìm kiếm sự cân bằng giữa những gì mà Pyongyang nên làm để thực hiện các cam kết của mình đối với phi hạt nhân hóa, và những gì Washington đưa ra.

Theo tờ Ariang, việc loại bỏ và xác minh tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu, vì đây là cơ sở chính sản xuất cả plutoni và uranium - hai nguyên liệu thiết yếu để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tổ hợp hạt nhân Yongbyon đã được nhà lãnh đạo Kim Jong- Un đề cập trong Tuyên bố chung lịch sử Pyongyang giữa hai miền Triều Tiên.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề  Triều Tiên Stephen Biegun cũng từng khẳng định, rằng nhà lãnh đạo Kim Jong -uncam kết đóng cửa tổ hợp này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng từng cho biết, ông Kim sẵn sàng bỏ khu phức hợp này nếu Mỹ thực hiện các bước đi tương xứng. Những  nhượng bộ lý tưởng mà Triều Tiên trông đợi là việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và thành lập văn phòng liên lạc tại Pyeongyang, hợp tác kinh tế với Hàn Quốc hay cắt giảm các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng.

Về phần mình, Triều Tiên cũng đã ngừng thử tên lửa và hạt nhân, dỡ bỏ bãi thử hạt nhân và một phần bãi thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ với những mong đợi từ Mỹ và các nước khác.  Việc phá hủy tổ hợp Yongbyon sẽ là “lời cam kết” có sức nặng nhất của Triều Tiên trên con đường phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Việt Nam- cầu nối hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ Triều TiênTổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại đảo Sentosa, Singapore

Việt Nam- cầu nối của hòa bình, hữu nghị

Hội nghị lần 1 đã kết thúc mà không có bước đi cụ thể nào, nên  dư luận trông chờ ở Hội nghị thượng đỉnh lần 2 diễn ra ở Hà Nội.  Để hội nghị lần 2 có nhiều “chất “ hơn so với hội nghị lần đầu, hai bên cần  có được sự đồng thuận nhiều hơn nữa về những bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Tuy nhiên dù có đạt được bước tiến nào hay không,  thì riêng việc tổ chức được hội nghị thượng đỉnh lần 2 đã là một thành công . Những người đứng đầu của Mỹ và Triều Tiên muốn khôi phục lòng tin  sự hợp tác. Việt Nam đảm nhiệm vai trò cầu nối cho hòa bình thế giới bằng việc tổ chức hội nghị quan trọng này. Có thể coi đây là một minh chứng rõ nét về vai trò, vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ  Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un  dự kiến tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Triều Tiên từ ngày 12 - 14/02/2019 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho.

Dự kiến sẽ có hàng trăm phóng viên đi theo đoàn đại biểu hai nước cùng rất đông đảo phóng viên quốc tế đến thành phố Hà Nội, Việt Nam đưa tin về hội nghị. Tại cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim ở Singapore năm ngoái, đã có hơn 3.000 phóng viên quốc tế tới đưa tin.

Những thông tin và hình ảnh từ Việt Nam sẽ được truyền đi khắp thế giới. Đây cũng là cơ hội để quảng bá nền kinh tế Việt Nam ra thế giới. Và có thể lần này, Việt Nam sẽ ghi tên mình là nơi chứng kiến lễ ký hiệp định hòa bình lịch sử.


Hải Yến
Ý kiến của bạn