Việt Nam cần có chiến lược sức khỏe và thúc đẩy già hóa khỏe mạnh trong suốt vòng đời

13-12-2019 15:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là một trong những nội dung chia sẻ của TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh cán bộ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại hội thảo Già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi: Nghiên cứu dọc và vai trò cộng tác viên dân số trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.

Bà Quỳnh cũng cho hay, xu hướng gia hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, số người trong độ tuổi từ 60 tuổi trở lên đang tăng, trong đó nhóm người từ 70-80 trở lên tăng nhanh.

Năm 2014 tỷ lệ người cao tuổi từ 65 trở lên chiếm 7% dân số, dự kiến đến năm 2020 con số này là 8% và đến 2049 dự kiến là 18%. Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là mức sinh đã giảm ở tất cả 6 vùng kinh tế, xã hội và ở tất cả các dân tộc mặc dù mức giảm có khác nhau.  Đặc biệt, ghi nhận ngày càng có nhiều tỉnh thành phố có mức sinh thấp  dưới mức sinh thay thế. Số tỉnh thành có mức sinh dưới 1,8 tăng từ 5 tỉnh vào năm 1999 lên 8 tỉnh vào năm 2009 và 11 tỉnh vào năm 2014. Đáng lưu ý mức sinh ở Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh thấp nhất  là 1,39 và 1,44 năm 2014.  Bà Quỳnh cũng cho biết,  mức sinh thay thế duy trì dân số là 2,1. Tuy nhiên, với một số địa phương mức sinh dưới mức 1,9 là rất khó để đạt được như mức sinh trung bình. Bởi, theo thống kê với những quốc gia có mức sinh giảm dưới 1,9 thì mức sinh để đạt lại như trung bình là rất khó hầu như không thể tăng trở lại.

Các đại biểu tham gia tại Hội thảo

“Điều đáng nói là số người ở độ tuổi cao 70-80 tuổi ở Việt Nam càng ngày càng tăng, trong đó phụ nữ tuổi cao nhiều hơn đàn ông.  Vấn đề đặt ra là với những người cao tuổi thì chăm sóc ra sao, chất lượng sống thế nào. Theo một thống kê trong số 6,7 triệu  người khuyết tật thì có tới 80%  người cao tuổi bị.  Số năm đau ốm trung bình khoảng 7,3 năm. 70% người cao tuổi có ít nhất 2 bệnh, trung bình mỗi người cao tuổi có 2,7 bệnh.  Theo thống kê 14% người cao tuổi gặp các khó khăn trong các hoạt động hàng ngày và cần phải được hỗ trợ, số người cao tuổi gặp ít nhất một loại khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày  tăng từ 28% ở người 60-90 tuổi lên tới hơn 50% ở người trên 80 tuổi”, bà Quỳnh thông tin.

Gần 50% người cao tuổi không có thẻ BHYT cũng chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sưc khỏe của NCT. 64,5% NCT được sếp vào loại yếu và rất yếu, có 28,8% bình thường. Dự báo năm 2019, bốn triệu người cao tuổi có nhu cầu được hỗ trợ và dự kiến con số này sẽ là khoảng 10 triệu người vào năm 2049. Trong khi đó, hệ thống cán bộ hướng dẫn phục hồi chức năng lại hạn chế về trình độ. Chỉ có 2% người chăm sóc được đào tạo cơ bản.

Như vậy, Việt  Nam đang ở giai đoạn già hóa dân số với tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng . Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam trong việc thích ứng với già hóa dân số trong đó có bao gồm việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Theo TS.Quỳnh, để thích ứng với quá trình già hóa dân số tại Việt Nam, từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước cho thấy, Việt Nam cần có chiến lược sức khỏe và thúc đẩy già hóa khỏe mạnh trong suốt vòng đời, nhấn mạnh vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc phòng ngừa; phối hợp chăm sóc y tế và chăm sóc phi y tế (chăm sóc xã hội); nhấn mạnh vào chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng.

Cùng với đó là xây dựng chính sách, kế hoạch về dịch vụ và phân bổ ngân sách theo các cấp và các ngành để đảm bảo người cao tuổi tiếp cận được dịch vụ phù hợp đồng thời phát triển nguồn nhân lực và lao động hợp lý, đầy đủ và được đào tạo để đáp ứng nhu cầu chăm sóc đa dạng của người cao tuổi…

Kinh nghiệm các nước cũng chỉ ra rằng, một trong những hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiệu quả là dựa vào gia đình và cộng đồng với việc xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe không chuyên và bán chuyên.

Do đó, cộng tác viên dân số hoàn toàn có thể trở thành đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chuyên hoặc bán chuyên tại các cộng đồng. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, cần có những chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh vai trò của cộng tác viên dân số trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, góp phần thích ứng với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.

Hiện nay, ngành Dân số đang có đội ngũ cộng tác viên dân số đông đảo tại các thôn, xóm, bản, làng. Đội ngũ này được xem là kênh truyền thông hiệu quả, là mắt xích quan trọng, góp phần làm nên thành công của công tác dân số vì họ là người luôn nắm vững địa bàn, thường xuyên tiếp cận, gần gũi người dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân số.


H.N
Ý kiến của bạn