Việt Nam cam kết nhằm đạt các mục tiêu về dinh dưỡng và phát triển bền vững tới năm 2030

08-12-2021 17:52 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong hai ngày (7-8/12), hơn 100 quốc gia và các tổ chức trên toàn cầu cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Dinh dưỡng cho phát triển được tổ chức trực tuyến tại Tokyo – Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thượng đỉnh Dinh dưỡng cho Phát triển (N4G) Tokyo 2021

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thượng đỉnh Dinh dưỡng cho Phát triển (N4G) Tokyo 2021.

Hội nghị mang đến một cơ hội lịch sử để thay đổi cách thế giới đối phó với thách thức toàn cầu về suy dinh dưỡng trẻ em.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm quan trọng, giữa Thập kỷ Hành động về Dinh dưỡng của Liên hợp quốc (2016-2025), còn 5 năm nữa để đạt được các mục tiêu của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) về dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và 10 năm nữa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Bộ Y tế được Chính phủ giao nhiệm vụ thay mặt Chính phủ tham dự và có cam kết về dinh dưỡng tại Hội nghị.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn chia sẻ thông điệp và những cam kết của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có bài phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn xung quanh thông điệp và cam kết của Việt Nam tại hội nghị quốc tế này.

PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết về vai trò của dinh dưỡng cũng như các gánh nặng về dinh dưỡng mà các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đang phải đối mặt?

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Suy dinh dưỡng toàn cầu là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta và đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em và tổn thất lâu dài về sức khỏe, giáo dục và kinh tế cho các quốc gia. 

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tăng cường vai trò của các bên, chính phủ, bộ ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể, hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, người dân và đầu tư có trọng điểm cho dinh dưỡng.

Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực và toàn cầu phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

PV: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, xin ông cho biết thông điệp và những cam kết của Việt Nam cụ thể là gì nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn:

Dinh dưỡng luôn là một trong những vấn đề sức khỏe ưu tiên trong Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới) và Chính phủ (Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới; Quyết định 1896/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam) và trở thành chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương.

Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã đặt nội dung cải thiện dinh dưỡng trẻ em trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (NQ số 88/2019/NQ/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội), Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (NQ số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021), Chương trình xây dựng nông thôn mới (NQ số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021) và tới đây là Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030.

Dựa trên các văn bản đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua, Việt Nam sẽ thực hiện hai cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Dinh dưỡng vì Sự phát triển lần này:

1. Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em 0 đến 18 tuổi.

2. Trên cơ sở này, để thực hiện cam kết nói trên, Việt Nam đã và đang xây dựng các chương trình hành động gắn liền với giải pháp về chính sách, ngân sách thực hiện, triển khai và theo dõi giám sát.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Dinh dưỡng lành mạnh sẽ góp phần mang lại  sức khỏe tốt cho cư dân toàn cầu

Dinh dưỡng lành mạnh sẽ góp phần mang lại sức khỏe tốt cho cư dân toàn cầu.

Tại hội nghị, các quốc gia cùng cam kết thực hiện nhiều hành động hơn nữa về dinh dưỡng trên 5 lĩnh vực chủ đề: sức khỏe, thực phẩm, khả năng phục hồi, trách nhiệm giải trình và tài chính, để chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức vào năm 2030 theo chương trình mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Nhằm đạt mục tiêu toàn cầu chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, cần đưa dinh dưỡng tích hợp vào chương trình bao phủ y tế toàn dân. Cần xây dựng chương trình lương thực, thực phẩm thúc đẩy dinh dưỡng và chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo kế sinh nhai cho người sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cuộc đua chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức (suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, thiếu vi chất dinh dưỡng) tới năm 2030 đòi hỏi sự chuyển đổi hệ thống y tế và thực phẩm nhằm mang lại sức khỏe tốt hơn, dinh dưỡng và chế độ ăn lành mạnh cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), cải thiện dinh dưỡng có thể tạo thêm 3.500 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Nhờ cải thiện dinh dưỡng, các nước châu Phi có thể tăng thêm 15% GDP. Với mỗi USD đầu tư vào dinh dưỡng, thì sẽ tạo ra thêm 16USD cho nền kinh tế của mỗi nước.

Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID-19 sau điều trị


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn