Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị này, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (trong đó có Việt Nam) sẽ thảo luận, đi đến thống nhất về một bản Tuyên bố Chính trị nhằm kết thúc đại dịch AIDS. Một trong những nội dung quan trọng của tuyên bố này là “Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS” trong 5 năm tới để đạt được “Mục tiêu 90-90-90” vào năm 2020, có nghĩa là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người này được điều trị ARV; và 90% số người được điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Để thực hiện được mục tiêu này, xét nghiệm phát hiện HIV phải được tăng cường, điều trị ARV phải được mở rộng, đồng thời tiếp tục duy trì các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các quốc gia thành viên Liên hợp quốc để toàn thế giới vững bước trên con đường chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Mỗi con người, mỗi quốc gia đều phải được chú trọng, quan tâm, sát cánh bên nhau, cùng đưa ra những cam kết chính trị mạnh mẽ và nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế sẽ là những minh chứng về thành công của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc, với những thành tựu to lớn đã dành được trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến năm 2015, Việt Nam ước tính có hơn 250.000 người nhiễm HIV còn sống. Số nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2015 là 12.000 người, giảm gần 2/3 so với mức đỉnh điểm vụ dịch vào năm 2007. Tính đến cuối năm 2015, đã có tới hơn 105.000 người nhiễm đã được điều trị ARV, tăng gấp 30 lần so với năm 2005, tuy nhiên mới chỉ chiếm 46% tổng số người nhiễm HIV tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã thí điểm và triển khai nhiều sáng kiến mới như “Điều trị 2.0” thông qua việc đơn giản hóa, phân cấp điều trị ARV và đưa xét nghiệm HIV xuống cộng đồng do chính các tổ chức dựa vào cộng đồng thực hiện. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu thực hiện những sáng kiến mới trong phòng, chống HIV khi nhiều quốc gia khác còn chưa áp dụng.
Tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện HIV đồng thời mở rộng điều trị ARV sẽ là động lực to lớn thúc đẩy tiến độ chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dự phòng lây nhiễm HIV và xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV cũng là những mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện. Những nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng của HIV như người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm và bạn tình của những người này cần được tiếp cận một cách dễ dàng tới các dịch vụ phòng, chống HIV có chất lượng và các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội khác mà không bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cam kết: “Chính phủ Việt Nam luôn coi phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ ưu tiên cao nhất. Để kết thúc được dịch AIDS, chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực nhiều hơn nữa. Và chúng ta phải cùng nhau nỗ lực. Đây không chỉ là tiếng nói của Chính phủ Việt Nam, mà cũng là tiếng nói của những người dân Việt Nam dễ bị tổn thương nhất”.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết thực hiện 3 mục tiêu chung và 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS, bao gồm tăng gấp đôi số người nhiễm HIV được điều trị ARV và đưa các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đến với mọi người dân có nhu cầu.