Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài, sau khi một số cuộc biểu tình phản đối giàn khoan của Trung Quốc trở nên bạo lực.
Người dân cầm biểu ngữ kêu gọi biểu tình đúng cách sau vụ bạo loạn ở Bình Dương. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều nay, người phát ngôn Lê Hải Bình nhắc lại sự việc xảy ra ở Bình Dương hôm 13/5, trong đó một số người đã lợi dụng cuộc tuần hành ôn hòa để kích động công nhân phá hoại tài sản các doanh nghiệp, làm mất an ninh trật tự. Ngay khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương trấn áp và xử lý nghiêm những người có hành vi kích động.
"Các hành động phá hoại tài sản là do một số đối tượng kích động. Các hành động đó bị nhà nước và tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam lên án", ông Bình nói.
"Chúng tôi khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đảm bảo quyền lợi lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Đài Loan, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cũng như ở Bình Dương".
Đề cập đến sự việc tương tự xảy ra ở Hà Tĩnh hôm qua, ông Bình dẫn thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh cho biết ẩu đả xảy ra do mâu thuẫn giữa hai nhóm công nhân làm một người chết và một số người bị thương. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương xác minh vụ việc, bắt những kẻ gây rối và đưa người bị thương đến bệnh viện.
Ông cũng bác bỏ thông tin của một hãng tin nước ngoài rằng có 20 người chết trong cuộc xô xát tối qua ở Hà Tĩnh. "Thông tin đó là không có cơ sở", ông Bình nói.
"Việc thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền là việc làm hết sức chính đáng và tự nhiên, tuy nhiên việc thể hiện phải theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới", ông Bình khẳng định.
Theo ông, tình hình ở các địa phương trên hiện đã ổn định. Về mặt thương mại, giao thương ở khu vực biên giới Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn. |
Trước đó, ngày 13/5, khoảng 19.000 công nhân ở Bình Dương tổ chức diễu hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Lúc đầu cuộc tuần hành diễn ra trong ôn hoà, tuy nhiên một số người sau đó bị kích động, phá cổng các doanh nghiệp đột nhập vào trong, đập phá, cướp bóc, yêu cầu chủ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc và lôi kéo số công nhân này tham gia.
Hàng trăm công ty đã bị đột nhập và phá hoại tài sản, chủ yếu là các công ty Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, trong đó có 15 doanh nghiệp bị đốt nhà xưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Đến hôm qua, khi tình hình ở Bình Dương đã dần được kiểm soát thì tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, một nhóm người quá khích đã kích động hàng nghìn công nhân kéo đến nhà máy Formosa để gây hấn với các lao động người Trung Quốc tại đây và dẫn đến xô xát. Những người này cũng đập phá các công ty và đốt hai lò cao trong nhà máy luyện gang thép. Vụ việc kéo dài đến gần nửa đêm mới được khống chế, làm một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Công an Bình Dương đã bắt giữ hơn 400 người được cho là có hành vi kích động công nhân gây rối tại khu công nghiệp trên địa bàn, trong khi 76 đối tượng cũng bị công an Hà Tĩnh tạm giữ để điều tra.
- Vụ giàn khoan HD981:Không dễ dàng…bẻ một bó đũa
- Dư luận thế giới về vụ dàn khoan HD981
- Hai “quả đấm thép” của Cảnh sát biển sẽ tiếp cận giàn khoan 981
- Giàn khoan 981 đã khoan xuống đáy biển Việt Nam chưa?
- Triệu hồi Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc đặt giàn khoan 981
- Nỗi tủi hổ của giàn khoan HD 981
- Cận cảnh tàu tuần tra lớn nhất Việt Nam điều ra giàn khoan
- Đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan HD 981
- Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
- Hai ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong vụ đặt giàn khoan HD-981
- Trung Quốc tăng phạm vi cấm quanh vị trí đặt giàn khoan 981
- Trung Quốc "cảnh báo" bình luận của Mỹ về biển Đông
- Chào cờ xếp hình Tổ quốc hướng về Biển Đông
- Báo chí thế giới lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
- ASEAN ra tuyên bố lịch sử về biển Đông
- "Biển Đông căng thẳng, ASEAN cần đoàn kết và có phản ứng chung"
- Các ngoại trưởng ASEAN quan ngại tình hình ở Biển Đông
- "Trung Quốc đang biến Biển Đông thành nồi nước sôi”
- Nga tuyên bố không khoan dầu cùng Trung Quốc
- Cư dân mạng Trung Quốc phê phán cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh
- Người tiêu dùng và tiểu thương tẩy chay, ngừng bán hàng Trung Quốc
- Lộ diện nhóm hacker Trung Quốc
- Người lao động Bình Dương xuống đường phản đối Trung Quốc