Ngày cuối cùng của một cuộc chiến tranh giải phóng đất nước kéo dài hơn 20 năm đầy gian khổ, hy sinh. Bao nhiêu chiến công, kỳ tích lẫy lừng là bấy nhiêu mất mát, đau thương. Dấu tích cuộc chiến tranh yêu nước bi hùng trải dài từ Bắc vào Nam là những nghĩa trang điệp trùng mộ bia liệt sĩ. Hình ảnh đó chẳng hề xa lạ với chúng ta, nhắc lại cũng chỉ để khẳng định dân tộc này không bao giờ lãng quên quá khứ nhưng cũng không kích hoạt hận thù. Kẻ thù một thời bây giờ là bạn bè của ta. Đối phương trở thành đối tác. Thử hỏi, có dân tộc nào trên hành tinh này bao dung độ lượng như Việt Nam.
Ngày 30/4 hằng năm, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông diễn ra linh thiêng, trang nghiêm, thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào dân tộc.
Điều kỳ diệu ấy, không phải muốn nói là được. Càng không thể nói hồ đồ. Nếu như chiến tranh Việt Nam ăn mòn nước Mỹ rất lâu sau khi dấu giày viễn chinh của họ đã rời khỏi đây từ năm 1973 theo Hiệp định Paris, thì hậu quả của nó để lại trên non sông này cũng vô cùng lớn. Lớn đến mức tôi nghĩ khó kể hết được. Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh, tận mắt chứng kiến cảnh xóm mạc tan hoang, chết chóc sau những trận bom. Một đêm chiến tranh/nhì nhằng ánh chớp /mẹ không đi hết/con đường vào ngõ nhà mình... Mẹ tôi chết vì bom bi Mỹ khi mới 33 tuổi. Nỗi căm thù giặc Mỹ hằn sâu trong trái tim đứa trẻ mồ côi là tôi. Tưởng chừng mối thù ấy sẽ muôn đời, muôn kiếp không tan.
Có một ngày Hà Nội nắng mật vàng óng trên những con phố. Mái trời xanh hơn, hình như thế và mây trắng thong thả bay qua Thành phố vì hòa bình. Tại ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, lần đầu tiên tôi gặp gỡ các nhà văn cựu chiến binh Mỹ. Họ nói, chúng tôi phải bay qua Thái Bình Dương rộng lớn đến với Việt Nam để hy vọng chữa lành vết thương chiến tranh. Họ gọi đó là hội chứng chiến tranh Việt Nam, một sự thật khó chối cãi trên đất nước Mỹ. Những người lính trận đã từng có mặt ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... thấy mình rất có lỗi với nhân dân Việt Nam. Sự ăn năn làm họ mất ngủ triền miên, cuộc chiến Việt Nam chưa rút ra khỏi tâm thức của những người lính xâm lược đến từ đất nước giàu mạnh nhất thế giới. Họ kể, chiến tranh Việt Nam là sự ám ảnh khủng khiếp, có người không dám bước ra khỏi nhà sau khi giải ngũ về nước. Thế đấy, tôi tin họ nói thật về tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh tàn khốc do chính nước Mỹ gây ra cho dân tộc Việt Nam. Và, chúng tôi bắt tay nhau. Những cựu binh từng là kẻ thù xứng đáng của nhau rũ bỏ hận thù nhuốm mùi thuốc nổ. Rồi cùng nhau đọc thơ, tặng hoa, tâm sự như những con người chưa từng ngắm nhau qua nòng súng vậy. Sự tốt lành dành cho tất cả, tưởng như cuộc chiến tranh tốn nhiều máu xương của hai phía chỉ là cơn ác mộng. Chỉ có hoa hồng và thi ca. Chúng tôi và các bạn Mỹ đi bên nhau dưới bầu trời hòa bình trong sáng. Ngỡ luôn luôn là như thế, đã như thế từ bao giờ. Chính vì vậy mà tôi phải biết ơn, muôn lần biết ơn ngày 30/4/1975. Ngày cánh cửa hoà bình được mở ra từ những cánh quân áo xanh màu lá, lấm bụi đường trường cuộc hành binh thần tốc nhất, táo bạo nhất trong lịch sử dân tộc.
Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho những kiến tạo hòa bình khi trở thành chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 vào cuối tháng 2/2019.
Bầu trời. Khi nào đi qua cầu Hiền Lương ở Quảng Trị tôi cũng ngước mắt nhìn bầu trời. Chợt nghe từ trên cao giọng ngâm thơ theo điệu miền Trung của cố nghệ sĩ Châu Loan lừng danh, người sinh ra từ mảnh đất một thuở là giới tuyến tạm thời này: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu... Tế Hanh có những câu thơ để đời như thế. Tôi nói để đời bởi nhiều người thuộc mấy câu thơ này và cái quan trọng hơn là nó diễn đạt chính xác khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của dân tộc ta. Khát vọng muôn đời trong hành trình dựng nước, giữ nước bền bỉ của nhân dân. Màu xanh Quảng Trị ra sao nhỉ? Mỗi người sẽ có một hình dung riêng về màu xanh Quảng Trị nhưng chắc đều chung cảm nhận đó là màu xanh của hòa bình, màu xanh đoàn tụ, yêu thương. Thời đất nước bị gọi là chia đôi có những ca khúc hay ra đời như Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp, Tình ca của Hoàng Việt, Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ... Cung điệu da diết của những ca khúc tôi vừa điểm tên chính là tâm trạng đêm Nam ngày Bắc một thời. 21 năm, cả dân tộc ra trận, khi âm thầm lặng lẽ, khi ào ạt hào hùng, khi nước mắt nuốt vào trong, khi cười rạng rỡ. Càng anh hùng, gan góc, càng lãng mạn, lạc quan. Bầu trời hòa bình chưa bao giờ khép lại trong đôi mắt những người đánh giặc. Chưa lúc nào thi ca lại có nhiều mầm xanh, tiếng chim, bông hoa như những ngày đánh Mỹ. Ai đó cho rằng, chúng ta thi vị hóa cuộc chiến theo kiểu Đường ra trận mùa này đẹp lắm như nhà thơ Phạm Tiến Duật viết giữa Trường Sơn. Tôi tin câu thơ của Phạm Tiến Duật như tin tình yêu hòa bình của dân tộc mình dẫu thấm thía rằng chiến tranh không phải trò đùa. Ngày 30/4 hằng năm, Quảng Trị tổ chức Ngày hội non sông tại đôi bờ Hiền Lương. Ý nghĩa vượt lên một ngày kỷ niệm chiến thắng là tình yêu hòa bình của dân tộc ta. Bài ca hòa bình là giai điệu không bao giờ tắt trong tâm hồn và khí phách Việt Nam. Vì thế, tôi biết ơn, muôn lần biết ơn ngày 30/4/1975.
Những ngày cuối tháng 2 /2019, Hà Nội - Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút thông tin của nhân loại. Thủ đô rộn ràng chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Chỉ 10 ngày mọi công việc đã hoàn tất, 2 nhân vật chủ chốt của sự kiện quan trọng này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un người đáp chuyên cơ, người đi tàu hỏa bọc thép đến Việt Nam. Gần ba nghìn phóng viên của những hãng tin nổi tiếng trên thế giới có mặt tại nước ta trong những ngày đó. Như có phép lạ, Hà Nội trở nên lộng lẫy, xanh sạch và ngăn nắp hơn. Hà Nội, Việt Nam đẹp và đáng yêu trong mắt bạn bè. Cây cảnh, hoa tươi, ánh mắt, nụ cười, tiếng đàn, lời ca, món ăn Việt... tất cả nói lên tình cảm của người Việt Nam dành cho bạn bè, dù họ là nguyên thủ quốc gia quyền uy chót vót hay quan chức, nhân viên tháp tùng bình thường. Đâu chỉ đơn thuần là ứng xử xã giao mà tôi nghĩ tới chiều sâu của văn hóa dân tộc, thân thiện, hiếu khách. Ai yêu hòa bình, chán ghét chiến tranh, tôn trọng con người đều là bạn của người dân Việt Nam. Xưa, khách đến nhà miếng trầu đầu câu chuyện, chia tay có khúc Người ở đừng về níu náu tiễn đưa. Nay, dẫu có khác cách tiếp đón, tiễn biệt bạn bè nhưng cái sự ấm áp, chân thành vẫn vẹn nguyên như muôn thuở. Hòa hiếu là một phần tính cách Việt. Mới có chuyện những người chiến thắng chìa tay ra cho kẻ bại trận, thương đao súng ống không còn nhằm chĩa vào nhau, sau cuộc chiến mỏi mong hòa giải hòa hợp. Câu chuyện tắm máu người ở phía bên kia là sự đe dọa, bịa đặt thô bỉ. Việt Nam không nuôi dưỡng hận thù, không kích hoạt xung khắc. Đấy chính là câu chuyện tiếp theo của ngày 30/4/1975. Người chiến thắng không hề tàn độc, người chiến thắng yêu hòa bình mới xứng đáng được tôn vinh. Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Nguyễn Trãi viết thế từ thế kỷ 15. Muốn yên dân phải biết gìn giữ hòa bình. Bài học sau 30/4/1975 là bài học gìn giữ hòa bình, không chỉ cho một mà nhiều thế hệ, không chỉ cho nước mình mà cho cả nước bạn, cho thế giới. Tôi tin từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, nhân loại sẽ hiểu Việt Nam hơn nhiều. Việt Nam trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những hàn gắn và kiến tạo hòa bình. Việt Nam là bản giao hưởng hòa bình trong lòng thế giới đang còn lắm bất ổn. Lòng yêu hòa bình của nhân dân Việt Nam, đó là điều không thể nghi ngờ. Nhân loại đang bước lên những tầm cao mới hết sức kỳ diệu của nền khoa học kỹ thuật công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần trở thành hiện thực. Nhưng, trong thế giới loài người hôm nay cũng đang ẩn chứa những chia rẽ, xung đột, chiến tranh. Giữ hòa bình cho mỗi quốc gia và cả nhân loại là nghĩa vụ của mỗi dân tộc và thế giới.
Tôi luôn nghĩ tới điều đó, chính vì thế càng biết ơn, muôn lần biết ơn ngày 30/4/1975. Ngày HÒA BÌNH của đất nước Việt Nam yêu dấu.