Mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Cảnh sát Liên bang Australia và Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, Bộ Công an Việt Nam đã và đang hỗ trợ đắc lực trong việc thúc đẩy hợp tác cảnh sát quốc tế và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm có tổ chức xuyên quốc gia.
Chương trình Quản lý Thực thi Luật pháp khu vực châu Á (ARLEMP) lần thứ 31 với chủ đề Chống tội phạm rửa tiền đã khai mạc ngày 11/6 tại Hà Nội, với sự tham gia của các cán bộ thực thi luật pháp đến từ 19 quốc gia trong khu vực châu Á.
Các cán bộ thực thi luật từ 19 quốc gia ở châu Á tham dự ARLEMP 31. |
Quan hệ đối tác cảnh sát được xây dựng từ chương trình ARLEMP đang hỗ trợ tích cực công tác đấu tranh chống lại tội phạm xuyên biên giới trong khu vực như tội phạm ma tuý, tội phạm rửa tiền, tội phạm mạng, tội phạm khủng bố và mua bán người,… Trong 8 năm qua, đã có trên 550 sỹ quan cảnh sát và cán bộ thực thi luật đến từ 25 quốc gia nằm trong khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Australia đến tham dự chương trình, trong đó có trên 200 sỹ quan cảnh sát Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Phong Hoà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, Bộ Công an nhấn mạnh: “Việt Nam và Australia vinh dự mang lại một cơ hội cho cảnh sát các nước trong khu vực cùng gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhau. Bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể chống lại mối đe doạ từ các tội phạm xuyên quốc gia”.
Ông Philippe Stonehouse, Đại biện Lâm thời Australia tại Việt Nam chia sẻ, sự nổi lên của các loại tội phạm nguy hiểm xuyên quốc gia đòi hỏi một tầm nhìn toàn cầu. Thiệt hại do tội phạm ảo gây ra trên toàn cầu ước tính lên tới 388 tỷ USD. Chỉ riêng tại Australia, thiệt hại do các loại hình tội phạm này lên tới 15 tỷ USD. Số tiền đó có thể dành cho bệnh viện, giáo dục, xây dựng đường xá… Do đó, các nước trong khu vực cần chia sẻ ý tưởng, công nghệ để đấu tranh với thách thức này.
Thiếu tướng Chris McDevitt, Cảnh sát Liên bang Australia (AFP). |
Ngày nay, ước tính có khoảng 1 tỷ lượt khách quốc tế mỗi năm, 18,1 nghìn tỷ USD hàng hoá giao thương quốc tế hàng năm, và hơn 7 tỷ thiết bị kết nối với internet. Đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 1,4 tỷ khách quốc tế (với 3,7 triệu lượt người qua biên giới mỗi ngày), 24 nghìn tỷ USD hàng hoá giao thương, và 50 tỷ thiết bị kết nối internet. Sự phát triển trong giao thương quốc tế và công nghệ mạng cũng đã dẫn đến sự nổi lên của loại hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ảo và chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Trước tình hình này, theo Interpol, các cơ quan thực thi luật ở các nước cần phối hợp hành động và chia sẻ thông tin để đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân trên toàn cầu. |