Trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, người cao tuổi như “cây đời”, biểu tượng của tinh thông, tri thức và sức mạnh của quốc gia. Theo nhận định của LHQ, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ già hóa dân số cao nhất thế giới. Hội thảo Đối thoại Chính sách Y tế cho Người cao tuổi do Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 2.12 với sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, đại diện WHO, WB, các đại diện của quốc hội, chính phủ và các ban ngành, các chuyên gia quốc tế từ Thụy Điển, Hong Kong nhằm tìm giải pháp để nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người cao tuổi Việt Nam trong tương lai.
Đối thoại chính sách y tế cho người cao tuổi
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, tại Việt Nam, nhờ những thành quả tích cực phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi, tuổi thọ người dân và đặc biệt là người cao tuổi gia tăng nhanh chóng. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với dự báo lúc đó vào năm 2017. Với tốc độ già hóa dân số nhanh hơn so với các nước khu vực, Việt Nam sẽ mất khoảng 20 năm từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, đây cũng là khoảng thời gian nhanh nhất trên thế giới. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội, cá nhân, cộng đồng quốc gia, đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh hợp lý đáp ứng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng đời sống của người cao tuổi.
PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam
Hệ thống y tế thân thiện với người cao tuổi
Theo bà Anja Bhushan, văn phòng WHO Tây Thái Bình Dương, hiện tại có 235 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn 13% dân số khu vực Tây Thái Bình Dương. WHO cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết các vấn đề già hóa và sức khỏe thông qua Khung hành động về già hóa và sức khỏe khu vực Tây Thái Bình Dương (2014-2019) trong đó có việc xây dựng một hệ thống y tế dài hạn như bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, các chương trình chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật cho người cao tuổi. Chẳng hạn như, bảo hiểm y tế chi trả thuốc men cho bệnh thường gặp ở người cao tuổi, kính lão, khám và chữa bệnh mạn tính cho người cao tuổi. Để làm được điều này, các nước cần cam kết và đưa ra một lộ trình BHYT dài lâu để trở thành trụ cột trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bà Anja Bhushan, chuyên gia văn phòng WHO Tây Thái Bình Dương
Một mô hình hay ở Nhật Bản như hệ thống chăm sóc tích hợp gồm chăm sóc y tế, chăm sóc tại cộng đồng, bác sĩ gia đình hay điều dưỡng tới thăm nom người cao tuổi tại nhà. Ngoài ra, để người cao tuổi vui hưởng tuổi già khỏe mạnh, không bệnh tật và vui vẻ hạnh phúc, một lối sống lành mạnh như không hút thuốc, tập dưỡng sinh, các câu lạc bộ tại cộng đồng cho người cao tuổi, chế độ sinh hoạt phòng bệnh mạn tính, tích cực tham gia các hoạt động xã hội là chiến lược hay mà nhiều nước cũng như Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó có hệ thống giao thông và kiến trúc tòa nhà thân thiện với người cao tuổi, xây dựng các thành phố thân thiện với người cao tuổi: một môi trường xanh lành mạnh cùng các hoạt động xã hội tại cộng đồng sẽ giúp người cao tuổi thêm khỏe mạnh và yêu đời. Hà Nội, tp. HCM hay Huế là một số địa phương đã gia nhập mạng lưới các thành phố thân thiện với người cao tuổi trên thế giới. Theo dự kiến, dự thảo Chiến lược toàn cầu của WHO và Chương trình hành động già hóa và sức khỏe sẽ được trình lên vào tháng 1/2016.
Kiến trúc nhà ở với phong thủy tuyệt vời dành cho người cao tuổi
Làm chậm lại quá trình lão hóa ở người cao tuổi
Chăm sóc y tế tốt có thể giúp làm chậm lại quá trình lão hóa ở người cao tuổi. Thực tế đã chứng minh, một chế độ dự phòng bệnh tật như sinh hoạt tốt cho sức khỏe, phát hiện và điều trị bệnh sớm, vận động như đạp xe, chơi thể thao, tinh thần lạc quan giúp cho thể chất của một số người ở độ tuổi 60 vẫn chỉ như người ở độ tuổi 30-40. Quá trình lão hóa ở mỗi người là khác nhau. Do vậy, các chiến lược giúp làm chậm lại quá trình lão hóa ở người cao tuổi là một chiến lược tổng thể, tích hợp cả về hệ thống chăm sóc y tế lẫn môi trường lành mạnh.
Theo dự báo tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi ở Việt Nam 2009-2049, độ tuổi 0-14 giảm dần; tỷ trọng dân số 65 tăng, gia đoạn “Dân số vàng” từ 2007-2039 (kinh tế xã hội phát triển, hệ thống y tế phát triển). Ngoài việc thành lập lão khoa ở các bệnh viện, mở rộng chăm sóc sức khỏe ban đầu, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Một chương trình quản lý bệnh mạn tính ở người cao tuổi do Bộ Y tế xây dựng sẽ góp phần giúp người cao tuổi có chất lượng sống và khỏe mạnh.
Người cao tuổi: Không chỉ sống thọ mà còn sống hạnh phúc
Người Việt Nam có truyền thống tốt đẹp: Hiếu kính cha mẹ, phụng dưỡng ông bà, coi trọng người già, bởi người già chính là biểu tượng của trí tuệ được tích luỹ qua bao năm tuổi đời kinh nghiệm. Những kỹ năng sống cũng như kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm trong công việc vẫn trở thành tài sản vô giá đối với xã hội. Ở nhiều nước phát triển, nâng độ tuổi về hưu để tận dụng khả năng và kinh nghiệm làm việc của người cao tuổi, giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng và đào tạo. Người cao tuổi với kỹ năng của mình vẫn có thể chăm sóc gia đình hay làm đồng ruộng, đi làm thêm đóng góp cho xã hội.
Ngoài điều trị và chăm sóc y tế cho người cao tuổi (dự phòng, phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, chăm sóc tại cơ sở y tế, điều dưỡng) thì một mạng lưới hỗ trợ người cao tuổi toàn diện ngoài cơ sở y tế phụ trách và cơ quan điều phối dịch vụ (thành phố, trung tâm hỗ trợ địa phương, nhân viên tư vấn) lấy người cao tuổi làm trung tâm xung quanh là người thân, gia đình, hàng xóm rồi nhóm sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ người già, hội tình nguyện,…để giúp người cao tuổi sống bao bọc trong niềm kính trọng, yêu thương của gia đình, xã hội. Luật Người cao tuổi được đưa ra sẽ giúp phát huy truyền thống tốt đẹp: kính trọng người già và báo hiếu cha mẹ cho một xã hội trong tương lai.
Kiến trúc nhà ở với môi trường nhiều cây xanh, gần gũi với thiên nhiên phù hợp với người cao tuổi. Những ngôi nhà như thế này đang được quan tâm, xây dựng ngày một nhiều hơn ở Anh.
Trong tương lai, người cao tuổi trên thế giới sẽ sống ngày một hạnh phúc và hòa nhập với cộng đồng hơn. Chẳng hạn như người cao tuổi cũng sẽ tham gia vào các mạng xã hội, lướt web, họ vẫn tham gia luyện tập thể thao như đánh golf, khiêu vũ, đi nghỉ dưỡng để thay đổi không khí. Kiến trúc nhà ở sẽ chú trọng hơn tới người cao tuổi như cách trang trí, phong thủy phù hợp với tuổi già, có thể có không gian lưu giữ các kỷ vật mà người già thường nâng niu, các lối đi thiết kế phù hợp với người cao tuổi, các khu chung cư được thiết kế cho người cao tuổi để đáp ứng với lượng người cao tuổi ngày một tăng. Một hệ thống bảo hiểm xã hội dài lâu có khả năng chi trả và chăm lo cho người cao tuổi cũng như chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với già hóa dân số trên toàn cầu cũng để giúp người cao tuổi có thể sống hạnh phúc hơn trong tương lai. Khi người cao tuổi sống thọ và hạnh phúc, đó chính là biểu tượng cho một xã hội phồn vinh.