Tết Quý Tỵ đã qua nhưng bạn đọc trong nước muốn biết đồng bào mình ở nước ngoài đón Tết ra sao? Qua những thông tin từ các CTV báo SK&ĐS ở nhiều nơi trên thế giới gửi về mới hay ngày Tết cổ truyền trên đất người vốn là ngày bình thường nhưng dòng máu Việt, lòng tự hào dân tộc đã khiến bà con ta biến ngày bình thường trên xứ lạ trở thành một sự kiện gây chú ý trên đất người.
Người Việt Nam đón Tết Quý Tỵ ở Litte Saigon (Mỹ).
Tại Pháp
Có thể nói những ngày Tết Quý Tỵ vừa qua là những “Ngày văn hoá Việt Nam trên đất Pháp” khi đồng bào tổ chức một cách tự phát.Kiều bào tại Thủ đô Paris và các TP. như Lille, Nantes, Saint Herblain, Lyon, Grenoble, Montpellier, Marseille... trước và trong những ngày Tết đã liên tục gọi điện, nhắn tin mời khách đến “ăn Tết” tại nhà mình. Ngoài đồng hương, các bạn Pháp láng giềng hay làm cùng công sở thân thiết cũng được mời đến thưởng thức nhiều món ăn truyền thống và đây là dịp để người nước ngoài tìm hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền và ý nghĩa của năm con Rắn. Nhưng chắc chắn “khách tây” không chỉ nghe về con rắn mà còn đòi giải thích thêm về 11 con giáp khác! Chủ nhà người Việt cũng “rộng rãi”, không chỉ chiều khách mà chắc chắn sẽ hào hứng kể thêm nhiều phong tục tập quán của Việt Nam như nhiều năm trước đã từng kể. Nỗi nhớ quê hương của bà con Việt kiều trong ngày Tết cũng là dịp để bà con ta quảng bá hình ảnh đất nước với các bạn nước ngoài yêu mến Việt Nam tụ họp đón Tết trong gia đình họ.
Tất nhiên, những ngày Tết dân tộc trên xứ người cũng rất sôi động với các phong tục truyền thống như chuẩn bị bao lì xì cho trẻ nhỏ và tìm người “xông đất” cho nhà mình. Người “xông đất” vào nhà ngày mùng 1 Tết không cứ là người Việt nhưng phải là một nam giới “hợp tuổi”, tính tình vui vẻ và… giàu thì càng tốt!
Tại các nước Đông Âu và Nga
Người Việt tại các nước thuộc Liên Xô cũ đông nhất ở Nga, Ucraina. Phần đông là người sang sau năm 1975 trong các chuyến học tập và lao động. Cộng đồng người Việt ở đây sống tập trung tại một khu vực nên trong những ngày Tết đã không cảm thấy quá cô đơn lạc lõng. Ngày mùng 1 Tết vừa rồi, người Việt làm tại cơ quan, xí nghiệp sở tại được nghỉ, có nơi các “sếp” còn tặng quà, hoa. Bạn bè nước ngoài đến bắt tay chúc mừng và nếu được mời làm khách thì chưa thấy ai từ chối vì ngoài các món “nem”, “pho” hấp dẫn họ từ lâu, nhiều đặc sản ẩm thực Việt khác trong dịp Tết cũng là một sự bất ngờ với họ. Ở Nga, khách Nga thích nhất “Xamagon Việt nút lá chuối khô” mà ở ta gọi là “cuốc lủi”. Người Việt lao động tự do thì trong 3 ngày Tết đã “nghỉ chợ”.
Tết Việt ở Nga, Ucraina, Belorutxia... không thể thiếu mâm cơm cúng tất niên trong 3 ngày Tết tại mỗi nhà. Đồ Tết không hiếm như bên Pháp khi người Việt và người Trung Quốc sinh sống khá nhiều nên trước Tết có cả khu vực bán hàng thực phẩm quê nhà và đồ châu Á. Một chiếc bánh chưng giá khoảng 4USD, 1 quyển lịch giá 4USD, 1 gói phồng tôm giá 1USD. Các chợ Việt sau Tết vẫn còn đủ các loại mặt hàng từ hương nhang, vàng mã đến giò, chả, bột chiên tôm, bánh kẹo Việt Nam, mứt Tết như muốn kéo dài nỗi nhớ và hương vị quê hương trên đất người chăng.
Do chênh lệch múi giờ với Việt Nam là 7 tiếng nên giao thừa ở các nước trên rất sớm, vào lúc 19h giờ địa phương cùng với đặc điểm người Việt ở đây thường có gia đình, họ hàng ở Việt Nam nên lúc giao thừa, chuyện gọi điện về quê hương là phổ biến hơn so với ở nhiều nước khác và không thấy nghẽn mạch. Ở Việt Nam, do nghỉ 9 ngày, nhiều gia đình ra khỏi nhà đi du lịch trong những ngày Tết chứ ở các nước thuộc Liên Xô cũ, người Việt vẫn giữ phong tục ngày mùng 1 Tết, nhà này đến nhà người kia chúc Tết rồi lại… quay lại nhà nhau!
Tại Mỹ
Từ ngày đầu năm mới 1/1/2013 đến sát ngày Tết Nguyên đán, bà con người Việt đã tấp nập mua sắm Tết tại khu thương mại. Người Việt sang đến Mỹ cũng vẫn giữ phong cách hướng ngoại, tức thích ra ngoài đường để chia sẻ niềm vui cùng cộng đồng chứ không hướng nội như “người Tây” trong dịp năm mới thường chỉ trong gia đình quây quần với nhau trong nhà. CTV báo SK&ĐS điện về là hàng hoá bà con bán trong dịp Tết vẫn ổn định, không hề tăng kiểu “tát nước theo… Tết” để rồi sau Tết giá có hạ xuống chút đỉnh nhưng vẫn cao hơn trong năm.
Năm nay, cộng đồng người Việt ở Orange County (quận Cam) tập trung tại những thành phố như Westminster, Santa Anna, Garden Grove, Fountain Valley... có xu hướng tranh thủ 3 ngày Tết đưa gia đình đến hội chợ xuân, tham gia dâng hương, cúng tổ tiên, xem múa dân tộc, múa quạt, múa nón với tâm lý “lấy đông làm vui” và cùng cảnh ngộ xa quê cùng hướng về nguồn cội.
Cũng như nhiều nước khác, hoạt động của bà con Việt kiều tại Mỹ trong những ngày Tết vừa qua luôn gây sự chú ý của người bản địa trước bản sắc riêng của truyền thống dân tộc Việt.
Tết Việt trên thế giới qua hoạt động của bà con Việt kiều chứng tỏ sức sống của truyền thống Việt, văn hóa Việt khó phai nhạt trong dòng máu con cháu Lạc Hồng dù vì bất cứ lý do nào phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Đó cũng là sức mạnh của dân tộc với bản sắc riêng, vị thế riêng không thể phai nhạt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Quý Lê