Hoạt hình luôn là mảnh đất màu mỡ của làng điện ảnh nhưng tại Việt Nam mảnh đất này dường như vẫn trong tình trạng để ngỏ, mặc dù dân số trẻ em Việt Nam cao nhất nhì khu vực châu Á. Khi công nghệ 2D, 3D xâm nhập vào Việt Nam, hoạt hình Việt đã thực sự khởi sắc với nhiều diện mạo mới… Nhưng tại sao người làm hoạt hình vẫn không thể sống nổi bằng nghề? Câu trả lời nằm ở rất nhiều khâu, trong đó kịch bản cũng là một khâu khá quan trọng.
Viết kịch bản hoạt hình không dễ
Khác với các thể loại kịch bản văn học hay kịch bản điện ảnh, thoạt nhìn tưởng kịch bản hoạt hình là thể loại dễ khai thác bởi không cần phải quá chú ý bối cảnh, đạo cụ hay phục trang - là những thứ ngốn phần lớn kinh phí trong một dự án phim. Nhưng kịch bản hoạt hình thường mắc ở đề tài, lối dẫn chuyện, tạo hình nhân vật và sự chính xác, tỉ mỉ đến từng frame (giây), từng cử động trong mỗi khuôn hình.
Người viết kịch bản hoạt hình bị phụ thuộc nhiều vào đạo diễn hình ảnh và các họa sĩ chuyên môn. Kịch bản ngôn ngữ càng chi tiết thì họa sĩ chuyển thể càng nhàn và càng ít phải sáng tạo. Khi đó, họa sĩ chỉ việc biến chữ thành hình, khỏi phải mất công hình dung rồi phác họa. Còn họa sĩ chuyển động thì luôn muốn kịch bản không được sử dụng những chuyển động phức tạp bởi sẽ rất khó tạo hình với công nghệ và trình độ dựng 3D ở nước ta hiện nay.
Giữa vòng vây của những đòi hỏi khắt khe từ phía các họa sĩ và đạo diễn hình, lại phải đảm bảo chính xác thời lượng đến từng giây, đảm bảo nội dung hay, hấp dẫn, lôi cuốn..., người làm kịch bản luôn ở trong một trạng thái rất căng khi phải đáp ứng cùng lúc nhiều tiêu chí.
Người làm kịch bản hoạt hình có thể sáng tạo, thăng hoa hơn so với các thể loại kịch bản khác là vì kỹ năng đồ họa có thể giúp biến tưởng tượng siêu phàm của họ thành hiện thực. Vì vậy, những người có khả năng tưởng tượng tốt, cộng thêm khả năng ngôn ngữ, có thể trở thành một người viết kịch bản hoạt hình xuất sắc.
Kịch bản hoạt hình không dài, thời lượng chỉ từ 5 - 10 phút cho một phim, chính vì vậy, để có thể chuyển tải nội dung trong 5 hay 10 phút ngắn ngủi, lại phải tận dụng hết những kỹ xảo 3D, tỉ mẩn đến từng ngôn ngữ hình ảnh... đòi hỏi không những khả năng sáng tạo tuyệt vời mà còn thử thách tính kiên nhẫn, cẩn thận và nhạy cảm của tác giả kịch bản. Chính vì vậy, viết kịch bản hoạt hình thường không được các cử nhân khoa sáng tác kịch bản trong các trường điện ảnh lựa chọn, nhân lực trong ngành này phần lớn là những bạn trẻ học đồ họa 3D, là tác giả kiêm luôn các khâu khác cho một phim hoạt hình hoàn chỉnh.
Hướng đi cho hoạt hình vẫn nằm ở khâu kịch bản
Mức lương một biên tập viên của một công ty truyền thông có tiếng trung bình là 500 nghìn/kịch bản cho 1 phim hoạt hình. Trong khi đó, mức thù lao của một kịch bản hoạt hình phim quảng cáo là 5 triệu/kịch bản. Đó là lý do cơ bản của việc vì sao Việt Nam vẫn chưa thực sự có kịch bản phim hoạt hình nào nổi trội, đủ sức hấp dẫn lôi kéo công chúng đến rạp. Những cử nhân 3D đổ xô đi làm phim quảng cáo, từ nhận thầu toàn bộ dự án đến gia công phần hậu kỳ. Vì vậy, hoạt hình Việt Nam luôn thiếu những kịch bản hay, thực sự tốt để có thể thay đổi diện mạo của một hình thức hình ảnh độc đáo.
Những biên tập viên hầu như không được đào tạo để viết kịch bản phim hoạt hình nên phần lớn trong số này là do họa sĩ chuyển thể kiêm luôn vai trò tác giả kịch bản. Sự không chuyên về mặt ngôn ngữ, kết hợp với sự có nghề trong việc phác họa hình ảnh khiến cho kịch bản hoạt hình nhiều khi thiếu logic, truyện không liền mạch vì sự kết hợp xen ngang này.
Do đó, đầu tư cho kịch bản chính là khâu quan trọng nhất để có được một phim hoạt hình hay, giống như đặt gạch, xây móng cho một ngôi nhà vậy.
Nguyễn Mỹ