Được biết, bệnh nhân bị sỏi thận nhiều năm, đã mổ vài lần trong tình trạng tắc nghẽn và nhiễm trùng tiết niệu. Lần này bệnh nhân khỏe mạnh hơn nên gia đình chủ động đi mổ lấy sỏi để ngăn ngừa đường tiết niệu tắc nghẽn và tình trạng nhiễm trùng tái phát. Tuy nhiên sau ca mổ, bệnh nhân rơi vào hôn mê, khi khảo sát sọ não bệnh nhân có tình trạng nhồi máu não nửa bán cầu, khả năng hồi phục và qua cơn nguy kịch là rất thấp.
Câu chuyện này làm mình nhớ về một số trường hợp trước đây đã từng xảy ra ở các bệnh viện khác nhau. Bệnh nhân bị gãy xương đùi đơn thuần vào viện và mổ phiên (mổ có sự chuẩn bị), ca mổ diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân ổn định, chuyển về khoa nằm theo dõi mấy giờ thì bệnh nhân lên cơn tức ngực, khó thở, suy hô hấp và tím tái... Tất cả những can thiệp cấp cứu đều không hiệu quả, bệnh nhân tử vong rất nhanh sau đó. Gia đình người thân thấy quá đường đột nên yêu cầu khám nghiệm tử thi. Kết quả động mạch phổi của bệnh nhân bị huyết khối gây tắc hoàn toàn. Đây là một trong những biến chứng thường gặp và nguy hiểm hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trong khi đó, nhân viên y tế chỉ có thể dự phòng để hạn chế nguy cơ chứ không thể kiểm soát hoàn toàn những tai biến này.
Rủi ro tai biến y khoa trong các ca phẫu thuật khá cao.
Một trường hợp khác, bệnh nhân hậu phẫu thay khớp gối gần một tuần, ngày bệnh nhân dậy tập vận động đi lại để chuẩn bị ra viện, lúc vào nhà vệ sinh ra, đột ngột xuất hiện cơn đau ngực, khó hít vào, khuỵu ngã rồi rơi vào hôn mê rất nhanh, bệnh nhân được đặt ống thở và cấp cứu, tuy nhiên không qua khỏi...
Sau mỗi ca tử vong đột ngột xảy đến, luôn để lại những thắc mắc, nghi ngờ từ người nhà bệnh nhân. Thực tế, trong nhiều trường hợp, thầy thuốc cũng rất khó có câu trả lời xác đáng nếu như gia đình bệnh nhân không đồng ý khám nghiệm pháp y.
Người ra đi, đã đi mãi. Nhưng những người ở lại cần bình tĩnh để tìm hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện và nguyên nhân của cái chết chứ đừng nên vội vàng quy kết. Điều này cao đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Trên thực tế, khi vào viện để điều trị, đặc biệt là mổ xẻ, bệnh nhân sẽ được khám xét cẩn thận, cho đi làm các xét nghiệm tối đa để vừa chẩn đoán bệnh chính phải mổ, vừa để phát hiện và xử lý các bệnh lý kèm theo như dị ứng thuốc, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy thận, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim... để hạn chế tối đa những rủi ro của phẫu thuật. Tuy nhiên, những khảo sát đó cũng chưa thể loại trừ hoàn toàn các biến chứng có thể xảy đến trong và sau mổ, trong đó có những tai biến, biến chứng do mổ xẻ. Đó chính là nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, tắc mạch phổi, sốc phản vệ...
Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng đã được tư vấn, giải thích về tình trạng bệnh, các nguy cơ của điều trị và phẫu thuật, những rủi ro có thể xảy đến với bệnh nhân (cả khách quan và chủ quan)... để người nhà và bệnh nhân có sự chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho những trường hợp điều trị thành công hay thất bại. Bệnh nhân và người nhà cũng cần hiểu một vấn đề rất quan trọng trong thực hành y khoa là dù nhân viên y tế có chuyên môn cũng như thực hành mổ xẻ cẩn thận đến đâu, thì những tai biến - biến chứng vẫn luôn có thể xảy đến, trong đó có những ca tử vong rất đột ngột...
Một phẫu thuật viên nổi tiếng người Mỹ từng nói “Nếu một phẫu thuật viên tuyên bố phẫu thuật không có tai biến - biến chứng thì phẫu thuật viên đó hoặc là nói dối hoặc anh ta chưa bao giờ đi mổ”.