Học đại học 6 năm và dường như không có ngày nghỉ, kể cả dịp hè và Tết. Sau đó tiếp tục học chuyên khoa 2 năm, rồi chứng chỉ hành nghề… sau đó mới gọi là bắt đầu hành nghề y khoa. Có lẽ những người từng được nhận bằng bác sĩ đều cảm thấy đó là quá trình thật sự không dễ dàng chút nào. Tiếp tục sau đó mới được làm nghiên cứu sinh, rồi học nữa học mãi…
Trong 6 năm học đại học, số bài học rất nhiều ở tất cả các học phần với những cuốn sách dày cộp cùng các hình vẽ giải phẫu phức tạp; các nhóm thuốc, tên thuốc rất giống nhau… Các chất có trong cơ thể nhiều vô kể… Làm thế nào để mà nhớ được hết đây? Chỉ có cách duy nhất là các em phải chăm chỉ miệt mài hết trên giảng đường rồi lại thư viện…
Hướng dẫn sinh viên thực hành châm cứu.
Hơn nữa, ngành y là học đi đôi với hành. Nghĩa là những buổi thực tập, rồi kiến tập luôn gắn liền với sinh viên y khoa. Hai năm đầu chỉ học lý thuyết đã thấy cực nhọc. Đến năm thứ 3 đi thực tập tại bệnh viện và kéo dài cho đến lúc ra trường còn vất vả hơn nữa.
Nhiều môn học cơ sở thì buổi sáng học lý thuyết, tới chiều lại tiếp tục lên phòng thí nghiệm thực hành mà không được nghỉ. Chỉ cần nghỉ một buổi là rất khó có cơ hội học lại. Bởi mỗi bài thực tập như vậy, nhà trường phải tốn nhiều hóa chất, các mẫu bệnh phẩm, động vật… chi phí rất tốn kém nên rất khó tổ chức một buổi khác chỉ để cho một sinh viên học lại. Những môn này cực kỳ quan trọng vì đây đều là cơ sở để hiểu về cơ thể con người, hiểu về bệnh. Nếu như thiếu đi những kiến thức này sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ.
Đến khi học các môn chuyên lâm sàng thì những học phần này rất thú vị và thu hút sinh viên nhất. Tuy nhiên, lúc này càng đòi hỏi các em tập trung nhiều công sức. Buổi sáng các em phải đi học tại bệnh viện, đi theo các bác sĩ, các điều dưỡng để học cách khám bệnh, cách tập chẩn đoán bệnh qua các triệu chứng. Nếu không học tốt phần này cũng sẽ không bao giờ có thể trở thành thầy thuốc được.
Học lâm sàng ở bệnh viện là phải trực đêm, khoảng 5 - 6 ngày sẽ phải trực bệnh viện. Có những tuần phải trực 2 buổi, mà khi đã trực là thức suốt đêm. Sinh viên y khoa muốn học được lâm sàng tốt cần phải có bệnh nhân cho thực hành và có thầy thuốc giỏi hướng dẫn, thiếu một trong hai điều này sẽ không thể học lâm sàng tốt được.
Để có được hai điều trên, các em cần lưu ý: Học thuộc lòng thủ thuật, phẫu thuật mình sẽ làm. Các em phải thể hiện cho thầy của mình biết là mình biết làm thủ thuật. Vì quá nhiều công việc nên các thầy dạy lâm sàng không thể nhớ được hết tất cả các sinh viên. Nếu muốn học được các kỹ năng, bí quyết của ngành y, các em cần cố gắng chăm chỉ học và hiểu bài khi thầy kiểm tra. Khi đã tin tưởng, thường thì các thầy sẽ chỉ cho bí quyết từng động tác để có thể thực hiện chính xác các thủ thuật. Nếu may mắn sẽ được thầy cô cho phép làm dưới sự giám sát của thầy cô và sự ủng hộ của bệnh nhân điều trị. Sau đó, các sinh viên ưu tú sẽ được giao cho những công việc nho nhỏ. Lâu dần như vậy, các em mới tích lũy được kỹ năng thực hiện các kỹ thuật y khoa…
Trong quá trình xây dựng hình thành kỹ năng y khoa của người thầy thuốc thì sự thông minh chỉ là một loại phương tiện, còn niềm đam mê cùng sự chặt chẽ trong tư duy và cẩn trọng trong động tác cộng thêm đức tính chăm chỉ mới là quyết định chính tạo nên một người thầy thuốc giỏi. Các em cần có các kỹ năng sau:
Kỹ năng lắng nghe: Với việc lắng nghe một cách tích cực và chăm chú, các em sẽ tạo được mối liên hệ mật thiết, tôn trọng người bệnh để phát hiện những nhu cầu, vấn đề và mối quan tâm về tình trạng sức khỏe của họ. Qua đó, sẽ thấu hiểu, cảm thông, đồng cảm với bệnh nhân, gia đình và cộng đồng, nâng cao hiệu quả chăm sóc và chữa trị.
Kỹ năng tự học: Sau khi ra trường và trở thành bác sĩ điều trị, các em vẫn cần tự thường xuyên cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiên cứu khoa học… Bởi các thầy không thể truyền đạt hết kiến thức cho sinh viên mà cần tự học từ đúc kết kinh nghiệm và quá trình tìm tòi kiến thức mới.
Kỹ năng nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu khoa học là phương tiện khá khách quan, hệ thống và đáng tin cậy nhằm tạo ra bằng chứng hướng dẫn và thực hành lâm sàng. Nhân viên y tế cần phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát hiện ra những bằng chứng có giá trị và áp dụng vào thực hành lâm sàng.
Kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin: Tiếp nhận và xử lý thông tin một cách nhanh và hiệu quả nhất để có thể giúp cho nhân viên y tế đưa ra những quyết định thật chính xác trong suốt quá trình chẩn đoán, chữa trị và chăm sóc. Để làm được điều đó, các em cần học cách khai thác tiền sử bệnh, phát hiện những triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, nhận định các khó khăn của bệnh nhân, chắt lọc những thông tin cần thiết… Từ đó sẽ có chẩn đoán chính xác và đưa ra biện pháp điều trị cho bệnh nhân.