Họ phải sinh sống và làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai với muôn vàn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, sinh mạng trong khi họ không có gì ngoài những kinh nghiệm tự bảo vệ mình rất sơ sài thậm chí lạc hậu và nhiều khi phản khoa học... Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào biển đảo gặp muôn vàn khó khăn bởi nhận thức của người dân, bởi mạng lưới y tế mỏng manh, thiếu thốn trang thiết bị, phương tiện và đặc biệt là nguồn nhân lực y tế có kiến thức, trình độ về lĩnh vực Y học biển hầu như chưa có... Nhiều lao động biển đang trong độ tuổi sung sức không may gặp tai nạn hoặc mắc bệnh trên biển đã phải ra đi vĩnh viễn hoặc bị tàn tật suốt đời chỉ vì thiếu kiến thức và sự chăm sóc y tế kịp thời đúng cách. GS.TS Nguyễn Trường Sơn nhận thấy cấp thiết cần phải có một chuyên ngành Y học biển ra đời và phát triển đủ tầm vóc để có thể tạo ra những điều kiện cần thiết thuận lợi cho sự phát triển nguồn lực y tế đặc thù biển đảo, tập trung nghiên cứu, tổ chức mạng lưới y tế để có thể phục vụ đắc lực và hiệu quả cho sự nghiệp Bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vùng biển đảo của Tổ quốc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Đất nước. Từ những ý tưởng và khát vọng chăm lo bảo vệ sức khỏe và sinh mạng cho đồng bào và những lao động biển, GS.TS Nguyễn Trường Sơn, giáo sư đầu ngành về lĩnh vực Y học biển của nước ta đã cùng những cộng sự đồng chí hướng và tâm huyết của mình vượt lên bao gian nan thử thách, kiên trì, dũng cảm xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển Việt Nam. Viện Y học biển đã được Bộ Y tế ký quyết định thành lập trên cơ sở nâng cấp trung tâm Y học và môi trường biển thuộc đại học Y Hải Phòng theo Quyết định số 930/QĐ-BYT ngày 27/3/2001, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
GS.TS Nguyễn Trường Sơn tặng hoa đ/c Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ngày 15/4/2010
Ngay từ khi ra đời, viện Y học biển dưới sự đảm trách của GS.TS Nguyễn Trường Sơn đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức bởi hoạt động theo cơ chế bán công, không có ngân sách, không biên chế cán bộ. Sau ba năm nỗ lực vượt lên thử thách hoạt động có hiệu quả, viện Y học biển được Bộ Y tế chính thức ký quyết định bổ nhiệm nhân sự cho 04 phòng chức năng và 03 khoa chuyên môn đồng thời, tiếp tục duy trì một phòng khám bán công do sở Y tế Hải Phòng cấp giấy phép. Đến nay, sau 15 năm miệt mài với bao tâm sức, trí tuệ và tài năng sáng tạo, viện Y học biển Việt Nam đã từng bước hoàn thiện và phát triển với quy mô 06 phòng chức năng, 15 khoa chuyên môn. Đặc biệt, viện thành lập 02 đơn vị trực thuộc là trung tâm đào tạo Y học biển và trung tâm cấp cứu, khám chữa bệnh Y học biển từng bước hoàn thiện với giảng đường và những trang thiết bị hiện đại… đã và đang hoạt động tích cực hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực y học và y tế biển, đồng thời, khám chữa bệnh cho nhân dân và những lao động vùng biển đảo. Khi mới thành lập, viện chỉ có 24 cán bộ kiêm nhiệm và lao động hợp đồng, đến nay viện đã có 170 CBNV trong đó 70 cán bộ chuyên môn có trình độ đại học và trên đại học.
Từ xây dựng dự án cho đến khi đặt viên gạch đầu tiên, năm 2010, viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng cơ sở làm việc mới trên diện tích 3,1 ha trên trục đường chính của thành phố Hải Phòng với tổng diện tích sử dụng trên 01 vạn m2 gồm tòa nhà 7 tầng và 2 toà nhà 3 tầng cùng các công trình phụ trợ khác. Khi mới thành lập, kinh phí từ nguồn ngân sách chưa có, viện phát huy sáng kiến huy động nguồn lực xã hội hóa từ CBNV và từng bước nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt với các đối tác để có thêm các trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho các hoạt động chuyên môn như máy siêu âm 4 chiều, máy XQ kỹ thuật số, máy CT-Scaner đa lát cắt, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy nội soi tiêu hoá, hệ thống máy huyết học, hoá sinh tự động, bán tự động, máy thở v.v..cùng với đội ngũ thầy thuốc chuyên gia có trình độ cao và dày kinh nghiệm đủ khả năng đảm nhiệm chức năng xây dựng và triển khai các kỹ thuật từ thông thường đến các kỹ thuật cao để phục vụ các chương trình nghiên cứu, đào tạo đại học, sau đại học và chăm sóc sức khoẻ cho những lao động biển và nhân dân ven biển. GS.TS Nguyễn Trường Sơn đã cùng các cộng sự nghiên cứu sáng chế ra thiết bị khám tuyển khả năng chịu sóng, một thiết bị có tính năng tạo ra môi trường rung, lắc giống tác động của sóng biển ở các cấp độ khác nhau để chủ động kiểm tra khả năng chịu sóng trong các chương trình tuyển chọn thuyền viên và những người đi biển, góp phần chuẩn hóa đội ngũ này.
Đặc biệt trung tâm Y học dưới nước và cao áp, một trong những đơn vị đặc thù nhất của viện đã được trang bị 02 buồng cao áp với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Lĩnh vực y học cao áp lâm sàng được viện nghiên cứu sâu và triển khai áp dụng rất hiệu quả trong việc điều trị cấp cứu cho người bị tai nạn lặn biển và đuối nước cũng như hàng loạt các bệnh nội, ngoại khoa khác với thành công ngoài dự tính như cấp cứu ngộ độc khí CO, CO2, ngộ độc khói cháy, tai biến mạch máu não, bỏng, vết loét ngoại khoa và đái tháo đường v.v.. Đặc biệt, các thầy thuốc tài năng, giàu kinh nghiệm của viện đã điều trị cấp cứu thành công những ca tai biến lặn rất nặng từ các vùng biển đảo trong nước chuyển về trong đó có cả người nước ngoài, giúp họ tránh khỏi tử vong và tàn tật. Lĩnh vực Y học biển Việt Nam đã được thế giới biết đến, tin tưởng bởi những thành công và sự đóng góp vô giá cho sự nghiệp Y học biển của viện.
Viện chú trọng đầu tư cho lĩnh vực Tele-Medicine, tư vấn cấp cứu thành công hàng trăm trường hợp tai nạn và bệnh tật hiểm nghèo cho các thuyền viên đang hành trình trên các vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương... và các ngư dân đang đánh bắt xa bờ, tư vấn cho các tàu Việt Nam giải quyết các tranh chấp về y tế ở nước ngoài v.v..
Năm 2002, GS.TS Nguyễn Trường Sơn với vai trò viện trưởng đã ra quyết định thành lập hội đồng Khoa học công nghệ viện Y học biển với 11 thành viên bao gồm các nhà khoa học có trình độ và uy tín cao. Hoạt động của hội đồng đã đóng góp rất lớn vào những kết quả đáng ghi nhận của công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ chuyên ngành Y học biển.
Với vai trò nghiên cứu đặc điểm môi trường sống, lao động trên biển, đảo và ảnh hưởng của nó; nghiên cứu các biện pháp phòng chống tác hại nghề nghiệp biển, môi trường biển và các thảm họa biển đối với con người; nghiên cứu các biện pháp cấp cứu, điều trị và chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho tất cả cộng đồng lao động, quân và dân trên biển - đảo, ngành Y học biển non trẻ Việt Nam thực sự phải gánh trọng trách trên vai cả ba lĩnh vực: y học cơ sở, y học dự phòng và y học lâm sàng với các đối tượng Y học hàng hải, Y học dầu khí, Y học thuỷ sản, Y học du lịch biển, Y học hải đảo, vùng duyên hải, Y học dưới nước và cao áp v.v..
GS.TS Nguyễn Trường Sơn trong một chuyến đi khảo sát điều kiện sống, làm việc và những yếu tố tác động đến sức khoẻ người lao động, đồng thời tổ chức khám chữa bệnh và tập huấn sơ cấp cứu cho các lao động trên vùng biển đảo của Tổ quốc.
GS.TS Nguyễn Trường Sơn cùng đội ngũ lãnh đạo, thầy thuốc, giảng viên, nhân viên viện Y học biển luôn tiên phong có mặt trên khắp mọi nẻo đường biển đảo của tổ quốc trực tiếp khám chữa bệnh cho đồng bào và các lao động biển; xây dựng giáo trình, khung đào tạo và thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực y học biển và phát triển mạng lưới y tế biển; biên soạn, viết và xuất bản nhiều cuốn sách chuyên môn, những cẩm nang quý báu về kiến thức Y học biển, đồng thời tập huấn cấp cứu ban đầu trên biển cho ngư dân, thuyền viên và sỹ quan boong v.v.. khảo sát thực tế, nghiên cứu hàng trăm đề tài khoa học mang tính thực tiễn và ứng dụng về lĩnh vực Y học biển và các nhiệm vụ khoa học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động, xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn hướng dẫn phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động của các ngành kinh tế biển, tổ chức tập huấn về cấp cứu ban đầu trên biển và phòng chống tai biến do lặn biển cho cán bộ y tế các huyện đảo của Việt Nam.
Viện phối hợp với hội Y học và hội y học biển cùng các đơn vị liên quan tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc gia về Y học và Y tế biển khẳng định tầm vóc trí tuệ của tập thể các nhà khoa học của viện trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ về Y học và Y tế biển. Các hội nghị, hội thảo khoa học đã có tác động lớn đến nhận thức của các cán bộ lãnh đạo các địa phương ven biển, lãnh đạo các ngành và các đại biểu tham dự về vai trò của biển, đảo Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng và sự cần thiết phải phát triển hệ thống y tế biển, đảo cũng như chuyên ngành Y học biển của nước ta. Viện Y học biển với những đóng góp to lớn của GS.TS Nguyễn Trường Sơn viện trưởng kiêm chủ tịch hội Y học biển luôn là tâm điểm của các sự kiện lớn về lĩnh vực Y học và Y tế biển đảo của Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển cũng như xây dựng và củng cố mạng lưới Y học biển đảo của quốc gia, việc đào tạo nguồn nhân lực Y học và Y tế biển giữ vai trò quyết định, ngày 20/12/2015, hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực Y học biển do viện Y học biển Việt Nam phối hợp với đại học Y Dược Hải Phòng tổ chức đã diễn ra tại viện với nhiều tham luận quý báu xuất phát từ thực tiễn sinh động và đưa ra những giải pháp thiết thực mang tính sáng tạo, có giá trị thúc đẩy sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực Y học biển tiến thêm một bước mới với quy mô lớn và chuyên sâu.
Các cán bộ kiêm chức của viện là lực lượng giảng viên chủ chốt đảm nhiệm toàn bộ chương trình của khoa Y học biển, trường đại học Y Hải Phòng với số lượng trung bình 700 sinh viên/ 1 năm. Trong thời gian qua đã đào tạo trình độ cao học chuyên ngành Y học biển được bốn khóa với tổng số 15 học viên. Trung tâm đào tạo Y học biển thuộc viện đã phối hợp với viện- trường đại học Brest và hội Y học biển Cộng hoà Pháp tổ chức 8 khoá đào tạo Y học biển quốc tế cho 240 học viên của các tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước... Liên tục mở các lớp đào tạo chuyên khoa định hướng và đào tạo liên tục về Y học biển, Y học dưới nước và cao áp, Cao áp lâm sàng, Cấp cứu và phòng chống thảm họa biển, chuyên khoa định hướng thăm dò chức năng... cho các cán bộ y tế của các địa phương ven biển, đảo của cả nước. Đào tạo cho các đối tượng kỹ thuật viên, điều dưỡng viên đến học chuyên môn tại viện. Triển khai 38 khóa Y học biển cho 500 sỹ quan boong đảm nhiệm chức danh sỹ quan y tế trên tàu biển, tổ chức các lớp huấn luyện cấp cứu an toàn lặn và cấp cứu ban đầu trên biển cho hàng ngàn thuyền viên và ngư dân vùng ven biển các địa phương trong cả nước.
Hưởng ứng chương trình “Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển” của Bộ Y tế, viện đã tổ chức các khóa đào tạo cho ngư dân các địa phương với 1940 học viên. Ngoài ra còn các chương trình phối hợp giữa viện Y học biển và báo Lao động và Xã hội, phối hợp với báo Hải phòng mở chuyên mục Bác sỹ biển đảo và chương trình Đồng hành cùng ngư dân bám biển, huấn luyện cho ngư dân đánh bắt xa bờ về cấp cứu ban đầu và sử dụng tủ thuốc, tổ chức cấp cứu ban đầu cho các doanh nghiệp ven biển, tập huấn đào tạo giảng viên nguồn sơ cấp cứu cho hội viên Hội chữ thập đỏ, khám, quản lý và chăm sóc sức khoẻ cho thuyền viên, các lao động biển và nhân dân vùng ven biển v.v..
Tập thể CBNV-VC viện không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và y đức phục vụ bệnh nhân, chăm sóc và quản lý sức khoẻ thuyền viên, người đánh cá, công nhân chế biến thuỷ sản, các lao động biển khác và nhân dân... 100% CBNV-VC thực hiện đúng quy chế chuyên môn, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”, áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến khoa học kỹ thuật, phần mềm quản lý bệnh viện được triển khai góp phần cải thiện chất lượng quản lý khám, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho các lao động biển và nhân dân vùng biển, đảo. Tổng số lượt bệnh nhân đến khám bệnh tăng lên gấp bội đã minh chứng cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh của viện đồng thời khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân đối với chất lượng khám và điều trị của đội ngũ thầy thuốc nhân viên viện Y học biển.
Viện thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng và đặc thù của viện về lĩnh vực Y học biển tại các huyện, xã ven biển... Hỗ trợ triển khai chuyên ngành Y học biển cho viện VSYTCC thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Quân y 175; hướng dẫn triển khai Quyết định số 20/2008/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Tiêu chuẩn sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam"; xúc tiến thành lập các trung tâm cấp cứu, khám và điều trị bệnh đặc thù biển tại các khu vực vùng tại Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu và Phú Quốc trong việc hỗ trợ triển khai chuyên môn. Các trung tâm ở các tỉnh, thành đã được thành lập đã và đang phát huy vai trò, nhiệm vụ trong việc triển khai hoạt động về Y học biển tới khắp các tỉnh, thành ven biển, đảo của cả nước. Hỗ trợ đào tạo cán bộ trong việc triển khai đào tạo cấp cứu ban đầu trên biển cho các ngư dân.
Với sự năng động, sáng suốt của GS.TS viện trưởng Nguyễn Trường Sơn, viện đã ký kết và triển khai các hợp tác song phương hết sức có hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực và chuyên ngành Y học biển với các đối tác hội Phổi và phẫu thuật lồng ngực Pháp - Việt, tổ chức AFEPS, viện - trường đại học Y khoa Brest, hội Y học biển cộng hoà Pháp, hội Y học biển quốc tế, viện Y học biển và nhiệt đới cộng hoà Ba Lan, tập đoàn Y học cao áp Hyperbaric health (Australia), trung tâm Y học biển và tele-medicine– Nauy, Epicentre Telework Pháp, đại học Kanazawa Nhật Bản v.v.. Viện ký kết hợp đồng với một số công ty vận tải biển về cung cấp dịch vụ y tế biển, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho các lao động biển.
Viện tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo trên địa bàn; tích cực tham gia các phong trào hiến máu nhân đạo, trao tặng tủ thuốc dụng cụ y tế cho các tàu vươn khơi; tích cực hưởng ứng các hoạt động từ thiện, nhân đạo của địa phương và trung ương; giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc về tình yêu quê hương đất nước cho đoàn viên thanh niên… Đoàn thanh niên viện đăng ký đảm nhiệm công trình thanh niên “Đồng hành cùng ngư dân bám biển” đã đóng, vận chuyển gần 2000 tủ thuốc và dụng cụ y tế trang bị cho các tàu đánh bắt cá xa bờ, đồng thời đào tạo cấp cứu ban đầu cho ngư dân Hải Phòng và một số tỉnh ven biển miền Trung, giúp ngư dân có thể thực hiện việc sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra tai nạn hay ốm đau trên biển mà không thể có sự hỗ trợ của y tế từ đất liền.
Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đã tạo điều kiện tốt nhất cho CBNV được phát huy vai trò và năng lực của mình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chính trị – xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền đã phối hợp với công đoàn trong việc quan tâm, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của CBNV như tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, công tác bảo hộ, an toàn lao động, đảm bảo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định, không phân biệt người trong hay ngoài biên chế. Toàn thể cán bộ, thầy thuốc, nhân viên viện Y học biển Việt Nam phấn khởi, yên tâm công tác, đoàn kết cùng nhau hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Nghị quyết 09 - NQ/ TW của Hội nghị Trung ương IV, ĐH ĐCSVN khóa X ngày 9/2/2007 về “ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương”... Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Hội nghị Trung ương 4 khóa X xác định Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.
Muốn thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhân tố con người giữ vai trò quyết định. Lực lượng lao động biển sẽ không dừng ở con số hàng triệu người như hiện nay mà sẽ còn nhân lên gập bội. Việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng cho nhân dân và những lao động thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề đặc thù vùng biển đảo của Tổ quốc trở nên cấp bách và vô cùng quan trọng. Sứ mệnh lịch sử đó đã đặt lên vai ngành Y tế và đặc biệt là chuyên ngành Y học biển non trẻ Việt Nam.
Năm 2012, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, viện Y học biển với vai trò là đơn vị thường trực của ban soạn thảo Đề án 317 “Phát triển y tế biển đảo đến năm 2020” đã cùng các vụ, cục chức năng của Bộ và các viện nghiên cứu khác nghiên cứu và đưa ra những nội dung cụ thể của đề án 317 và đã được Chính phủ chính thức phê duyệt đầu năm 2013 với các mục tiêu chiến lược: Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Với chức năng là một viện đầu ngành và duy nhất của cả nước hiện nay trong lĩnh vực y học biển đảo, ngay từ khi ban chỉ đạo thực hiện Đề án 317 ban hành kế hoạch hành động trong phạm vi toàn quốc, viện Y học biển đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án 317 của viện do GS.TS Nguyễn Trường Sơn, bí thư đảng ủy, viện trưởng làm trưởng ban. Viện đã huy động tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án, đồng thời tư vấn cho ban chỉ đạo và lãnh đạo Bộ một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc triển khai thực hiện đề án. Việc thực hiện đề án 317 của Thủ tướng chính phủ đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của viện. Sự ra đời và phát triển không ngừng của viện Y học biển Việt Nam đã kịp thời đáp ứng được nhiệm vụ chính trị to lớn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Vai trò của GS.TS Nguyễn Trường Sơn càng trở nên quan trọng như một mắt xích trong tiến trình phát triển chuyên ngành y học biển non trẻ Việt Nam cũng như quá trình thực hiện thành công Đề án 317 “Phát triển y tế biển đảo đến năm 2020” của Thủ tướng chính phủ.
Dù ở cương vị nào, GS.TS Nguyễn Trường Sơn với trái tim nhiệt huyết, cống hiến, hy sinh, với bản lĩnh tiên phong sáng tạo luôn tiến lên phía trước, sẵn sàng đứng mũi chịu sào, chèo lái con tàu viện Y học biển Việt Nam vượt Đại dương đi đến bờ bến vinh quang. Một cuộc đời, một sự nghiệp, không phải ông chọn nghề mà nghề đã chọn ông. Với sứ mệnh lịch sử của mình, GS.TS đầu ngành Y học biển Nguyễn Trường Sơn, người thuyền trưởng tài năng, dũng cảm, người thầy tận tụy của các thế hệ học trò chuyên ngành Y học biển đã dành cả cuộc đời thực hiện hoài bão lớn lao chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân biển đảo, tận tâm tận lực ươm trồng vun tưới cây Y học biển Việt Nam phát triển và lớn mạnh không ngừng, tâm huyết truyền ngọn lửa đam mê và tình yêu Y học biển cho các thế hệ học trò và đội ngũ cán bộ thầy thuốc nhân viên viện Y học biển mà giáo sư đã dày công đào tạo, dìu dắt từng bước trưởng thành và gửi gắm trọn niềm tin...
15 năm ở độ tuổi thiếu niên, song viện Y học biển Việt Nam đã đủ bản lĩnh trí tuệ anh minh và lòng dũng cảm gánh vác trên vai sứ mệnh lịch sử của mình, vượt lên mọi gian nan thử thách, khai sinh và phát triển mạnh mẽ chuyên ngành Y học biển non trẻ, từng bước thực hiện thắng lợi Đề án 317 của Thủ tướng chính phủ về Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Con tàu viện Y học biển mang niềm tin, khát vọng với sứ mệnh thiêng liêng đã vượt lên muôn trùng sóng gió ra khơi, vươn xa trong sự nghiệp Bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân biển đảo, góp phần to lớn vào sự nghiệp Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.