Tham dự buổi Lễ có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ/ Ban/Ngành Trung ương; Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai.
Báo cáo tại buổi Lễ, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện được thành lập ngày 11/11/1989, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đã có sự thay đổi đáng kể cả về “lượng” và “chất”.
Những ngày đầu thành lập, Viện Tim mạch Việt Nam chỉ có 55 giường bệnh, với khoảng 50 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu... đến nay Viện Tim mạch Việt Nam có 475 giường bệnh và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức tim mạch, các thăm dò hình ảnh, điện tim và đặc biệt là đơn vị Tim mạch Can thiệp với 6 phòng máy, một đơn vị phẫu thuật với 4 phòng mổ hiện đại. Đội ngũ nhân lực đã gần 400, trong đó có rất nhiều các giáo sư, PGS, TS, ThS…
Trước đây, Viện Tim mạch Việt Nam chủ yếu là các thực hành lâm sàng với các thăm dò thô sơ thì nay đã trở thành trung tâm hàng đầu trong cả nước và khu vực trong lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành tim mạch. Từ năm 2002, Viện Tim mạch Việt Nam đã trở thành một viện tuyến cuối hoàn chỉnh, có sự phối hợp đồng bộ của cả ba lĩnh vực chính: Nội Tim mạch, Ngoại Tim mạch và Tim mạch can thiệp, mỗi năm điều trị nội trú cho trên 20 000 lượt người bệnh tim mạch phức tạp, thăm khám cho hàng trăm lượt người bệnh, phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp. Đặc biệt, Viện Tim mạch Việt Nam có tới hơn 12 000 bệnh nhân/năm được can thiệp tim mạch, và đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này.
Viện Tim mạch Việt Nam là nơi đi đầu trong việc triển khai, áp dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chuyên ngành như: các kỹ thuật siêu âm tim phức tạp, các kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến (can thiệp động mạch vành, can thiệp van tim, can thiệp các bệnh tim cấu trúc và bẩm sinh mà không phải phẫu thuật,...), thăm dò điện sinh lý tim và điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp qua đường ống thông hoặc cấy máy tạo nhịp tim, phẫu thuật tim hở cho các trường hợp phức tạp... Nhiều kỹ thuật rất tiên tiến như đặt Stent Graft để điều trị các bệnh lý động mạch chủ, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI), sửa van hai lá bị hở nhiều bằng Clip (MitraClip) vv… cũng đã được triển khai đầu tiên với kết quả rất ngoạn mục.
Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai áp dụng những các kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến cho bệnh nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế gửi lời chúc mừng về những kết quả đã đạt được của Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai trong 30 năm xây dựng và phát triển. Bộ trưởng nhấn mạnh: Tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch có xu hướng tăng nhanh, đặt ra cho ngành y tế và các đơn vị những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề. Là bệnh viện quốc gia về vấn đề tim mạch, thời gian tới, Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai cần tiếp tục phấn đấu, giữ vững và phát triển hơn nữa vị trí hàng đầu về tim mạch, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Tim mạch Việt Nam, Viện cũng đã phối hợp với Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Tim mạch toàn quốc với chủ đề: Tim mạch trong kỷ nguyên mới “Từ chuyên khoa tuyến cuối đến chăm sóc sức khỏe ban đầu” trong 2 ngày 9 - 10/11/2019 với hàng trăm báo cáo khoa học và trên 2.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.