Viện phí: Nỗi niềm không của riêng ai

03-05-2014 8:00 AM | Tin nóng y tế

SKĐS - Bệnh nhân có thể có muôn vàn lý do để không trở lại thanh toán viện phí: hoàn cảnh khó khăn, bận công việc và có chủ ý, toan tính ngay từ đầu.

Thứ năm, hôm nay, đến ngày trực của mình. 16h30 nhận trực như mọi ngày, bàn giao tua trực, đi một lượt các bệnh phòng, các bệnh nhân đều ổn. Mình thầm mong một đêm trực bình yên không có gì đột biến.

22h30: Chuông điện thoại reo, em sinh viên nội trú gọi: Mời chị xuống ngay có bệnh nhân chuyển đến.

Một bệnh nhân nữ năm nay 15 tuổi, được mẹ đưa vào trong tình trạng kích động, rối loạn hành vi, đêm không ngủ đã 3 ngày nay. Sau khi thăm khám, mình quyết định cho bệnh nhân vào viện và tiêm một liều thuốc an thần.

Đo huyết áp cho bệnh nhân tâm thần

Đo huyết áp cho bệnh nhân tâm thần

Thứ sáu, mình nhận bệnh nhân mới điều trị. Vẫn là bệnh nhân đêm qua, nhưng hôm nay, cô bé đó đã ổn định hơn, nhưng mình trao đổi với gia đình phải tiếp tục điều trị thời gian nữa nhưng chắc là bệnh nhân này sẽ được ra viện sớm.

1 tuần trôi qua, sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, mình lại bắt đầu một ngày làm việc mới. Buổi sáng giao ban, chị y tá thông báo: bệnh nhân Yến Vy đã trốn viện, hiện tại, bệnh nhân mới ký quỹ 1 triệu, còn 4 triệu tiền viện phí chưa thanh toán, đề nghị bác sĩ điều trị liên hệ với người nhà để đến thanh toán viện phí.

Thôi, lại thêm việc rồi. Giở hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, may quá, địa chỉ, số điện thoại được ghi rõ ràng, thế cũng tạm yên tâm.

Gọi điện theo số điện thoại trên, có tiếng chuông đổ, sau khi giới thiệu là bác sĩ bệnh viện, lập tức đầu dây bên kia cúp máy. Lấy số máy khác gọi thì họ đều nói là không phải người nhà cháu Yến Vy. Thôi, thế là mất hy vọng.

1 tuần trôi qua, vẫn không thấy bóng dáng người nhà bệnh nhân đâu, lại đã đến kỳ phải quyết toán viện phí với bệnh viện, mình và chị y tá trưởng quyết định thử làm “thám tử Conan” một chuyến xem có lần ra được địa chỉ ghi ở hồ sơ bệnh án không.

Tìm đến phường K.Đ, tổ dân phố 2, hỏi mấy bác xe ôm, các bác ấy chỉ cho nhà của bác tổ trưởng tổ dân phố. Sau một hồi trình bày mọi việc, bác ấy rất nhiệt tình, lấy một cuốn sổ dày cộp ra tra cứu, lại hỏi thêm cả mấy bác dân phòng, hội trưởng phụ nữ nhưng chả có ai tên là Nguyễn Thị Y, có con tên là Yến Vy ở tổ dân phố này cả. Thôi đành cảm ơn các bác để về thôi, thế là mất cả một buổi chiều. Các bác ấy động viên: cứ để số điện thoại đây, nếu chúng tôi có thông tin gì thì sẽ điện thoại cho các cô.

- Thế là tháng này hai chị em mình mất nửa tháng lương rồi còn gì chị nhỉ? Mình nói với chị y tá.

- Ừ, cũng tại chị nghe bệnh nhân trình bày hoàn cảnh chưa chạy được tiền ngay nên đồng ý cho họ ký quỹ có 1 triệu, khi nào có tiền thì tạm ứng tiếp, ai ngờ họ cố tình trốn viện. Rút kinh nghiệm thôi em ạ, 1 tháng mà có 2 bệnh nhân như thế này thì coi như đi làm không có lương.

Bệnh nhân có thể có muôn vàn lý do để họ không trở lại thanh toán viện phí: nào là hoàn cảnh khó khăn, bận công việc và hầu hết những trường hợp đó đều có chủ ý, toan tính ngay từ đầu. Sau khi điều trị ổn định, họ bỏ về mà không quan tâm đến hậu quả như thế nào cho nhân viên y tế, cho bệnh viện. Trên hết là sự vô trách nhiệm đối với cả bệnh tật và cả xã hội.

Thôi, tháng này coi như gặp vận đen, mình lên facebook than thở với bạn bè, mình nhận được 50 like và những bình luận, chia sẻ của đồng nghiệp. Mọi người nói rằng chẳng phải mình bạn bị vậy đâu mà chúng tôi ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành khác nhau từ Bệnh viện đa khoa Đồng Hới, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện tỉnh Thái Bình đều bị như vậy nhưng đành chịu thôi, không biết làm sao được. Chỉ có điều làm việc ở bệnh viện tuyến cuối của cả nước, bệnh nhân đến khám từ khắp các nơi, các tỉnh, không thể bỏ công việc để đi tìm bệnh nhân đòi viện phí được, quá xa và không có khả năng đi như vậy được.

Nhưng dù sao nhận được sự chia sẻ của mọi người mình cũng vơi đi bức xúc trong lòng và hy vọng không còn phải làm “thám tử” bất đắc dĩ. 

BS. Yến Trang


Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH